Đây là một trong những nội dung của cuộc họp mới đây giữa UBCKNN với 23 công ty chứng khoán (CTCK) và các thành viên thị trường. Trước mắt, UBCKNN yêu cầu Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán.
Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ trình Bộ để sửa đổi, bổ sung Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, UBCKNN yêu cầu các Sở Giao dịch Chứng khoán thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của CTCK. Nhà đầu tư có thể theo dõi thông tin tách bạch của giao dịch khối ngoại, tổ chức, tự doanh chứng khoán và nhà đầu tư cá nhân.
Trước đó, từ 1/3/2022, HoSE đã ngừng cung cấp số liệu này. HoSE giải thích, việc dừng cung cấp thông tin giao dịch tự doanh không ảnh hưởng tới vấn đề công bố thông tin theo quy định. Đây chỉ là nhóm thông tin cung cấp theo gói dịch vụ cho một số khách hàng; tuy nhiên, tới đây HoSE sẽ ngừng cung cấp thông tin này để phục vụ việc rà soát, phát triển sản phẩm mới.
UBCKNN cũng chỉ đạo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (là giá trung bình 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn thay vì lấy giá đóng cửa phiên ATC) để tránh những tác động đến thị trường cơ sở.
Đối với phiên giao dịch phái sinh hàng ngày, UBCKNN sẽ có nhiều nghiên cứu để đưa ra giải pháp phù hợp. “Việc tính giá thanh toán cuối cùng theo phương pháp nêu trên sẽ được VSD áp dụng sau khi Sở giao dịch hoàn tất điều chỉnh thông tin hợp đồng mẫu và công bố tối thiểu sau 7 ngày làm việc theo quy định hiện hành” – lãnh đạo UBCKNN cho hay.
Ngày đáo hạn phái sinh, các chỉ số thường "giật mạnh" trong phiên ATC, được giới đầu tư gọi là hiện tượng lạ. Việc một số cổ phiếu nhóm VN30 được kéo tăng mạnh, hoặc giảm sâu trong ít phút ATC khiến VN30-Index "nhảy cóc" điểm số. Điều này tác động mạnh lên chứng khoán cơ sở, và nhiều lần, sau ngày đáo hạn phái sinh, thị trường sẽ trả điểm, đền điểm.
Đồng thời, UBCKNN có chỉ đạo một số biện pháp để sớm đưa thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng từ cận biên lên mới nổi sớm nhất. Lãnh đạo UBCKNN cũng nhấn mạnh rằng cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư.
Thanh khoản cơ sở "mất hút", phái sinh tăng vọt
Trong bối cảnh thị trường cơ sở biến động giảm, thị trường chứng khoán phái sinh tháng 4/2022 có diễn biến sôi động hơn so với tháng trước. Tổng thanh khoản cả tháng và bình quân phiên đều tăng trên 50% so với tháng trước. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng 4,7% so với tháng trước.
Phiên gần nhất 13/5, tổng giá trị giao dịch phái sinh lên tới 55.710 tỷ đồng. Các hợp đồng tương lai đều giảm điểm theo nhịp vận động của chỉ số VN30, phe short thắng thế.