Các ông lớn của làng bia thế giới đang khiến cho thị trường bia Việt Nam thêm phần lên “bọt”.
Trong khi đó, cho tới nay, những thông tin về thời điểm bán tiếp cổ phần cho đối tác chiến lược là Carlsberg tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) hay lựa chọn đối tác chiến lược tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vẫn tiếp tục chỉ là những đồn đoán.
Ông lớn xuất chiêu
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sabeco, thời gian gần đây liên tục than thở và lo ngại về sự cạnh tranh khốc liệt với các ông lớn đến từ nước ngoài trên thị trường bia nội địa. Đối tượng được ông Tuất nhắc tới nhiều là AB Inbev - hãng bia lớn nhất thế giới, với sản lượng bia năm 2012 vượt qua con số 40 tỷ lít, gấp khoảng 14 lần sản lượng bia hiện nay của Việt Nam.
Vào đầu năm 2013, Công ty TNHH AB Inbev Việt Nam đã nhận được giấy phép tăng vốn đầu tư thêm 15 triệu USD cho nhà máy đặt tại tỉnh Bình Dương. Đây là điều ngỡ ngàng với các doanh nghiệp bia nội, bởi trước đó không có thông tin AB Inbev được cấp phép đầu tư lần đầu. Để có mặt tại Việt Nam nhanh nhất, AB Inbev đã mua lại Công ty TNHH Bia Quốc tế ở Bình Dương có công suất 50 triệu lít/năm hồi giữa năm 2012.
Dĩ nhiên, với qui mô sản xuất như vậy, cơ quan cấp phép chỉ là cấp chính quyền địa phương. Sau khi hoàn tất thương vụ mua thâu tóm này, AB Inbev đang tiếp tục mở rộng hoạt động của mình với việc tăng quy mô sản xuất lên 100 triệu lít/năm và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ UBND tỉnh Bình Dương tới các cơ quan hữu trách.
Cả Sabeco, Habeco và Heineken cùng đang triển khai mở rộng sản xuất, nhưng tốc độ gia tăng năng lực lớn nhất thuộc về Heineken.
Cần nói thêm là vào năm 2008, AB Inbev đã từng tìm tới Sabeco để mong trở thành cổ đông chiến lược của “đại gia” này. Tuy nhiên, không chỉ AB Inbev mà cả các ông lớn khác trong ngành bia thế giới như Heineken, SAB Miller hay Asahi đều không thể hiện thực hóa được giấc mơ đó. Điều này đã buộc họ phải tìm đường đi riêng để xâm nhập thị trường còn rất nhiều dư địa tăng trưởng như Việt Nam.
Trong khi Chủ tịch Sabeco tỏ rõ quan ngại về sự có mặt của AB Inbev thì những người am hiểu ngành công nghiệp này lại cho rằng, đối thủ mà Sabeco cần phải quan tâm hơn ở thời điểm này chính là Heineken với các nhãn hàng chính là Heineken và Tiger. Không là cổ đông chiến lược của Sabeco, trong khi lại có các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với “đại gia” bia nội địa này, việc Heineken quyết liệt giành giật thị phần tại Việt Nam là điều không phải bàn cãi.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, 4 doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam ở thời điểm này là Sabeco, Habeco, Heineken và Carlsberg. Hiện tại, năng lực sản xuất của Sabeco và các công ty con, công ty liên kết là 1,7 tỷ lít/năm. Habeco với hệ thống của mình có năng lực sản xuất 916 triệu lít/năm.
Trong khi đó, Heineken với hệ thống các công ty liên doanh của mình có khả năng sản xuất 830 triệu lít/năm và Carlsberg có thể sản xuất 575 triệu lít/năm. Dẫu cả Sabeco, Habeco và Heineken cùng đang triển khai mở rộng sản xuất nhưng tốc độ gia tăng năng lực lớn nhất lại thuộc về Heineken với các nhà máy ở Tp.HCM, Đà Nẵng, Tiền Giang, Hà Nội và Quảng Nam.
Theo kế hoạch, tới năm 2015, năng lực sản xuất của Heineken tại Việt Nam có thể đạt 1,4 tỷ lít/năm. Với Sabeco, các dự án đang đầu tư tại Vĩnh Long, Sóc Trăng và Ninh Bình sẽ giúp nâng công suất của công ty này vào năm 2015 lên khoảng 2 tỷ lít/năm. Còn Habeco, năng lực sản xuất dự báo sẽ tăng lên khoảng 1,1 tỷ lít/năm.
Việc Heineken liên tiếp gia tăng năng lực sản xuất và việc ông lớn AB InBev chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam đồng nghĩa với việc các đại gia bia nội ngày càng bị cạnh tranh quyết liệt trên sân nhà.
Vẫn loay hoay tìm cách
Mặc dù Sabeco vẫn dẫn đầu về sản lượng bia tại thị trường Việt Nam, nhưng lại chỉ tập trung ở dòng bia phổ thông. Trong khi đó Heineken có lợi thế lớn về thương hiệu và đẳng cấp nên đã chi phối phần lớn phân khúc bia cao cấp.
Theo ước tính của nhiều công ty nghiên cứu thị trường, dù sản lượng bia chỉ bằng 1/2 của Sabeco nhưng lợi nhuận mà Heineken thu được không kém gì Sabeco, với con số lên tới trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Nói về những bất lợi của doanh nghiệp trong nước, ông Phan Đăng Tuất đã nhắc tới các chi phí quảng cáo, tiếp thị dồi dào của những thương hiệu lớn nước ngoài.
“Bia Heineken có các clip quảng cáo đắt tiền làm từ nước ngoài với sự góp mặt của các diễn viên điện ảnh nổi tiếng thế giới, trong khi Sabeco không thể đủ tiền mời chào các nhân vật tầm cỡ thế giới này mà chỉ là những người mẫu nổi tiếng tại Việt Nam. Chưa kể các clip quảng cáo này dù có chi phí cao như vậy nhưng lại không phải đóng thuế gì khi sử dụng tại Việt Nam”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Sabeco nhấn mạnh và cho biết thêm: đó là một trong những lý do khiến các thương hiệu bia trong nước bị lép vế trong cạnh tranh.
Để nâng nhãn hiệu bia của mình lên một tầm cao mới, ông Tuất đã nhắc tới việc Sabeco có ý định bỏ 1 triệu USD để mời tay vợt số 1 thế giới hiện nay là Novak Djokovic tới Việt Nam biểu diễn tennis. Tuy nhiên, việc này dường như khó trở thành hiện thực bởi ban lãnh đạo Sabeco hiện có những quan điểm khác nhau về vấn đề này, do các dòng sản phẩm của Sabeco đều ở dạng phổ thông. Thêm nữa, trên thực tế, Sabeco đang chật vật để giữ được nhịp độ tăng trưởng sản lượng, nhất là so với mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành.
Vào năm 2010, Sabeco đã vượt qua mốc sản xuất và tiêu thụ 1 tỷ lít bia, một con số quá đẹp cho một doanh nghiệp Việt Nam khi mà thị trường có sự góp mặt của khoảng 30 nhãn bia quốc tế đến từ các anh tài lớn trong làng bia thế giới. Bước sang năm 2011, sản lượng tiêu thụ của Sabeco vẫn đạt 1,228 tỷ lít.
Tuy nhiên, do các vấn đề về nhân sự nội bộ, nhất là việc thay đổi đồng thời cả Chủ tịch Hội đồng Quản trị lẫn Tổng giám đốc, Sabeco đã gặp một cú sốc lớn. Lượng bia tiêu thụ của năm 2012 đạt 1,26 tỷ lít và mục tiêu của năm 2013 là 1,35 tỷ lít, tăng chưa đến 10%/năm. Xuất khẩu bia cũng không phải là thế mạnh của Sabeco.
Cả năm 2012, công ty chỉ xuất khẩu được 369.000 lít, thu về 332.000 USD, nghĩa là chỉ đạt xấp xỉ 1 USD/lít. Để nâng cao sức cạnh tranh của mình, Sabeco gần đây đã thông qua đề án tái cấu trúc tổng công ty, trong đó chú trọng tính thống nhất toàn hệ thống trong công tác quản trị, điều hành; giảm sở hữu chéo giữa các công ty thành viên và chuyển về tổng công ty quản lý trực tiếp; hạn chế và tiến đến chấm dứt sản xuất bia không thuộc nhãn hiệu bia Sài Gòn của các công ty thành viên.
Ngoài ra, Sabeco sẽ thực hiện nâng tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty Cổ phần Vận tải và Giao nhận Bia Sài Gòn (SBC) hoặc thành lập thêm công ty riêng để bảo đảm sự kiểm soát trong lĩnh vực này. Hiện Sabeco chỉ sở hữu 24% cổ phần tại SBC, trong khi 90% doanh thu của SBC có được là nhờ chở bia Sài Gòn đi phân phối.
Các nhà sản xuất bia nội từ trước tới nay vẫn giữ ưu thế về mức độ am hiểu thị trường và gu của người tiêu dùng nội, nhưng giờ đây họ đang phải đối mặt với các ông lớn dày dạn kinh nghiệm thương trường và tiềm lực tài chính mạnh, nhất là khi thị trường bia đã chuyển từ trạng thái cung không đủ cầu cách đây 5-7 năm sang cung vượt xa cầu.
Nếu không có những bước đi chiến lược, dài hơi thì vị trí của các “đại gia” nội sẽ khó lòng bền vững trước những ông lớn.
Theo Doanh nhân