Thị trường bất động sản Bình Dương ảm đạm

TP - Thị trường chứng khoán trong thời dịch COVID-19 sôi động. Thị trường bất động sản theo đó cũng nổi sóng ở một số nơi, tuy nhiên, tại không ít địa phương thị trường vẫn ảm đạm do không vượt qua được tác động xấu của dịch bệnh, điển hình là ở tỉnh Bình Dương.
Một dự án cao ốc xây dựng dang dở ở Bình Dương. Ảnh: H.C

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, thị trường BĐS tại Bình Dương đang ảm đạm, toàn bộ nguồn cung đa phần là hàng tồn từ trước đợt dịch thứ tư. Nhu cầu cũng như dự án mới rất hạn chế và chưa có dấu hiệu cải thiện. Theo ông Đinh Hải Ninh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Hưng Phước, trải qua đợt dịch lớn, nhà đầu tư và khách hàng đều mang tâm lý thủ thân, không mạnh dạn bỏ tiền như trước. Trong khi đó, giá vật liệu xây dựng tăng cao, đặc biệt là giá thép tăng đột biến vậy nên nếu đầu tư dự án, chắc chắn phải đẩy giá cao lên mới có lời nhưng đối tượng khách hàng sẽ rất hạn chế. Đó là lý do doanh nghiệp của ông Ninh không mặn mà đầu tư trong lúc này.

Ông Nguyễn Hữu Tùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Á Châu cũng cho rằng, đa số các dự án BĐS đang mở bán ở Bình Dương đều là hàng tồn trước dịch bệnh. Số lượng dự án được cấp phép mới ở Bình Dương rất ít. “Dự án hiếm, giá sẽ tăng lên, trong khi người dân lại không dám bỏ tiền đầu tư khi dịch bệnh còn phức tạp. Thế nên, thị trường BĐS ảm đạm cũng là điều mà các công ty trong lĩnh vực này tiên lượng được”, ông Tùng chia sẻ.

Gần 1 năm qua, giao dịch BĐS ở Bình Dương trở nên thưa vắng, ngay cả đất nền riêng lẻ cũng ít người mua. Ông Trân Công, Giám đốc Công ty Địa ốc Thành Công cho hay: “Trong một năm qua, Bình Dương gần như không cấp phép mới cho dự án BĐS nào. Người mua ít đi, nhiều nhà đầu tư không còn kiên nhẫn nên bỏ cuộc, khiến thị trường suy thoái. Chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường gần như tê liệt dù dịch bệnh đã được kiểm soát tốt”. Anh Trần Văn Hùng, một nhà đầu tư bất động sản, nói: “Nhà đầu tư không kịp “chạy lỗ” trước tốc độ đi xuống nhanh chóng của thị trường nên đành ôm hàng chờ. Một nhà đầu tư khác muốn rút sớm để bảo tồn vốn nên sẵn sàng bán chịu lỗ nhưng cũng khó tìm khách mua”.

“Ðối với các dự án, chủ đầu tư không hoặc chậm triển khai thực hiện theo tiến độ đã được phê duyệt, tỉnh sẽ thu hồi và giao các nhà đầu tư có năng lực để triển khai đầu tư xây dựng, tránh lãng phí quỹ đất. Ngoài ra, Bình Dương sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách thu được từ các chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô dưới 10 ha, thực hiện phương thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất xây dựng NƠXH (20% đất ở)”.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Võ Hoàng Ngân

Cũng vì khó khăn do dịch bệnh gây ra nên nhiều khách hàng mang tâm lý phòng thủ, cùng với đó là nguồn tài chính tích lũy được đã bị hao hụt đáng kể do phải chi dùng cho cuộc sống hằng ngày. Ông Nguyễn Văn Dương (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) chia sẻ: “Tôi đang thuê nhà để ở và từng có ý định mua căn hộ chung cư hoặc mua đất xây nhà. Tuy nhiên, trải qua đợt dịch lần thứ tư, tôi không dám bỏ tiền mua”.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, để kích cầu thị trường BĐS hậu COVID-19, địa phương chuẩn bị quỹ đất sạch, đẩy nhanh thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Bình Dương ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây nhà ở xã hội.

Tỉnh Bình Dương sẽ cụ thể hóa cơ chế ưu đãi về đất đai, tài chính đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội phù hợp với các quy định của Chính phủ, thực hiện đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây nhà ở cho người thu nhập thấp. Đặc biệt, Bình Dương sẽ đẩy mạnh rà soát việc thực hiện bố trí 20% đất ở trong các dự án nhà ở thương mại trên 10 ha để thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội cho tỉnh.