Thí sinh The Voice 'đổ bộ' Bài Hát Việt

TPO - Bên cạnh cuộc đổ bộ của các thí sinh Giọng Hát Việt đang được yêu mến như Thái Trinh, Dũng Hà, Dương Trần Nghĩa, Bài Hát Việt tháng 11 sẽ trở lại với 9 ca khúc mới hứa hẹn nhiều hấp dẫn.

Ngoài các gương mặt ấn tượng của sân chơi The Voice, Bài Hát Việt tháng tháng 11 còn có sự góp giọng của các gương mặt quen thuộc như: Quốc Thiên, Tô Minh Đức, Nguyễn Đình Thanh Tâm.

Liveshow lần này cũng chào đón những gương mặt hoàn toàn mới như nhạc sĩ Lê Anh Dũng với ca khúc 'Tôi mơ', nhạc sĩ Huyền Sambi với 'Trôi'.

Bên cạnh đó, chương trình còn có sự góp mặt của những tác giả quen thuộc với sân chơi Bài Hát Việt như nhạc sĩ trẻ sinh năm 1992 Lê Hà Nguyên với ca khúc "Có bao giờ', chàng kiến trúc sư trẻ Huy Trực với ca khúc 'Cánh diều lạc phố', Giáng Son gửi đến ca khúc mới với tựa đề 'Chạm', Thành Thịnh tham gia Bài hát Việt tháng 12 với ca khúc 'Nhìn lại', Bùi Bảo Anh với ca khúc 'Gió đông về'.

Thái Trinh từng gây bất ngờ với cú đúp tại đêm trao giải liveshow Bài Hát Việt tháng 12-2011 với hai giải Triển vọng dành cho tác giả và Bài hát do Hội đồng các nhà sản xuất bình chọn cho ca khúc “Đứng yên”. Trong liveshow này, cô ca sĩ trẻ của đội Hà Hồ lại mang đến một ca khúc mới mang tên “Cười lên em” do chính cô thể hiện. Bài hát được lấy cảm hứng khi Thái Trinh bị loại khỏi cuộc thi Giọng Hát Việt, ngay sau đó cô đã thức trắng đêm để ghi lại những cảm xúc của mình.

Bài hát Việt tháng 11-2012 đã vinh danh ca khúc 'Lạc' của nhạc sĩ Toàn Thắng. Anh cũng là cha đẻ ca khúc đoạt giải 'Bài hát mang phong cách Rock đương đại nổi bật' của năm 2010 'Uống trà'. Trong liveshow tháng 12 này, anh tiếp tục góp mặt với ca khúc 'Chạy mưa' với sự thể hiện của Dũng Hà - The Voice.

Dự án âm nhạc tháng 12 sẽ giới thiệu các ca khúc thuộc dòng nhạc Latin bởi giọng hát của ca sĩ Đoan Trang. Đây là dòng nhạc xuất phát từ các quốc gia vùng Nam Mỹ, nơi ngôn ngữ chính là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Trước đây, những người dân bản xứ ở Mỹ Latin sử dụng những công cụ có sẵn như xương thú, vỏ sò để tạo nên những bản độc tấu, hòa tấu. Sau đó, khi người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đến, họ đã mang theo đàn guitar và một số nhạc cụ khác.

Tiếp đến, khi người châu Phi bị đưa đến Mỹ Latin để làm nô lệ, họ lại mang đến trống và cách biểu diễn mang đậm nét văn hóa châu Phi. Thế nên, nhạc Latin là sự giao hòa của nhạc dân gian châu Âu, châu Phi và âm nhạc truyền thống của người bản xứ.

N.Đinh

Theo Viết