Smartphone là một thiết bị không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày với rất nhiều lợi ích về giải trí cũng như công việc. Tuy nhiên, thật không may, smartphone không thể nắm thông tin về sức khỏe của người dùng. Mặt khác, các thiết bị đeo tay thông minh lại giúp ích rất nhiều trong vấn đề này, nhưng các bác sĩ đang hy vọng theo dõi tình trạng sức khỏe ở một cấp độ hoàn toàn mới với cảm biến cấy ghép có thể chuyển tiếp thông tin sức khoẻ đến smartphone của người dùng.
Cụ thể hơn, các cảm biến được làm bằng vật liệu tổng hợp hydrogel mềm mỏng tương tự như kính áp tròng, có thể trượt dưới da mà không gây hại đến cơ thể. Sau khi cấy, các cảm biến sẽ đo mức độ các thành phần khác nhau trong máu. Ví dụ: một cảm biến có thể đo mức độ ôxy trong khi một cảm biến khác sẽ đo mức độ glucose. Sau đó, một thiết bị nhỏ sẽ được đặt lên da để đo dữ liệu nồng độ mỗi cảm biến và sau đó gửi dữ liệu đó đến smartphone hoặc máy tính của người dùng.
Các nhà khoa học sáng tạo hệ thống cảm biến trên đã trình bày công trình của họ tại một cuộc họp gần đây của Hiệp hội Hoá học Hoa Kỳ. Nhóm các nhà khoa học này đang từng bước thương mại hoá hệ thống ở châu Âu và hiện đang chờ phê duyệt để bán tại Hoa Kỳ. Hệ thống đang được tiếp thị với tên thương hiệu Lumee của công ty Profusa và công ty này đã đăng một video cho thấy tính đột phá trong việc theo dõi sức khỏe của hệ thống cảm biến mới.
Các bác sĩ cho biết, những cảm biến đầu tiên được thử nghiệm trên các tình nguyện viên cách đây 4 năm vẫn hoạt động tốt đến hôm nay. Và nếu hệ thống hoạt động "trơn tru" như kết quả của cuộc nghiên cứu thì có thể nói, nó có vẻ khá hứa hẹn cho người dùng.
Hệ thống Lumee hiện đang được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) kiểm tra, đây là rào cản lớn nhất cho các thiết bị y tế muốn kinh doanh tại Hoa Kỳ. Thông tin về thời gian chính xác khi hệ thống "đến tay" bệnh nhân vẫn chưa được công khai, nhưng một khi nó được kiểm duyệt bởi FDA thì người dùng sẽ không còn phải đợi lâu nữa.