Bất an
Tối muộn 15/5, chúng tôi tìm đến dãy phòng trọ nằm phía sau cầu Bà Tiếng (đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân), nơi đây có khá nhiều công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam. Khi hỏi thăm về tình hình việc làm, nhiều công nhân không nén nổi tiếng thở dài.
Đút từng muỗng cháo cho con gái vừa tròn 2 tuổi, chị Phùng Thị Vui (33 tuổi, quê Nghệ An) cho biết, cả hai vợ chồng đều là công nhân Công ty Pouyuen, tổng thu nhập của cả hai gần 18 triệu đồng/tháng. Số tiền này vừa đủ để nuôi 2 con nhỏ, chi trả tiền thuê trọ, ăn uống, còn chút gửi về quê cho ông bà.
Tuy nhiên, trong đợt cắt giảm lao động lần này, chồng chị có tên trong danh sách nghỉ việc khiến cả gia đình không khỏi lo lắng. “May mắn, một chị đồng nghiệp đang mang thai đồng ý hoán đổi để chồng em tiếp tục làm việc, mừng được lúc này nhưng không biết những lần sa thải sau sẽ thế nào…” - chị Vui nói.
Hơn 11 năm làm công nhân, chị Vui chưa bao giờ nghĩ tìm việc làm lại khó khăn như lúc này. Dự phòng tình huống xấu nhất nếu chẳng may hai vợ chồng thất nghiệp, chị đã học thêm nghề làm tóc với ý định sẽ vay mượn chút vốn mở tiệm tóc nho nhỏ. “Ý định là vậy nhưng thật tâm mình vẫn muốn làm xí nghiệp, có lương có bảo hiểm hơn là tự ra ngoài, vì không biết sẽ trụ được bao lâu” - bà mẹ hai con giãi bày.
Từ sau dịch bệnh COVID-19 đến nay, hầu như công ty Pouyuen không còn tăng ca. Để có thêm thu nhập, nhiều công nhân ra ngoài chạy xe ôm, giao hàng, rửa chén bát thuê mỗi tối, thậm chí nhặt ve chai… Anh Trần Văn Lực (49 tuổi, quê Nam Định) sau giờ tan ca chiều, ăn vội chén cơm rồi mặc chiếc áo xe ôm công nghệ, bật app trên điện thoại nhận chở khách, giao thức ăn đến tận nửa đêm.
“Hôm nào đắt còn kiếm được 200.000-300.000 đồng, hôm nào ế thì chạy xe không về. Không ít lần bị “bom hàng”, thức ăn mua rồi nhưng không người nhận làm mình lỗ bữa đó. Chuyện này giấu vợ con, ráng cày bữa sau nhiều hơn để bù lại” - anh Lực kể.
Xóm trọ trên đường Tên Lửa, Bà Hom… (quận 6, quận Bình Tân) cũng có rất nhiều công nhân Pouyuen sinh sống. Mấy ngày qua, họ thường tụm nhau râm ran câu chuyện sa thải, cắt giảm lao động. Chị Võ Thị Hoa (43 tuổi, quê An Giang) đã có hơn 15 năm làm việc tại công ty cho biết, mỗi lần nghe thông tin công ty cắt giảm lao động lại thấy bất an, vì không biết khi nào đến lượt mình.
“Tôi đang làm việc tại khu B - khâu gia công da giày, việc đi hay ở lại đến cuối tháng này mới biết. Tuy nhiên, thông tin chỉ nghe truyền tai nhau, không biết chính thức nên càng thấp thỏm, bất an” - chị Hoa nói.
Rớm nước mắt khi nghĩ về tương lai, chị Hoa thật sự không biết sẽ làm gì nếu chẳng may mất việc. Nữ công nhân cho hay, còn 2 con đang tuổi ăn học, nếu mất việc thì không biết lấy gì nuôi con. “Tuổi ngày càng lớn nên rất khó xin việc nơi khác, vốn liếng không có, về quê cũng không biết làm gì… Chúng tôi thật sự bế tắc!” - chị Hoa bộc bạch.
Tìm cách hỗ trợ
Làm việc với ngành chức năng TPHCM mới đây, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cho biết, do lượng hàng gia công sụt giảm nên công ty buộc phải giảm lao động. Từ cuối năm ngoái, công ty phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, sắp xếp lao động nghỉ luân phiên, thỏa thuận ngừng việc, bố trí công nhân sang các xưởng sản xuất. Trước đó, vào tháng 2, công ty đã cắt giảm hơn 2.300 lao động.
Dự kiến lần này, công ty sẽ cắt giảm 5.744 người có hợp đồng không xác định thời hạn, tương đương 10% tổng số 50.500 lao động. Việc cắt giảm triển khai thành hai đợt. Đợt 1, chấm dứt hợp đồng lao động với 4.519 người vào cuối tháng 6. Đợt 2, chấm dứt hợp đồng lao động với 1.225 người vào đầu tháng 7.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, TPHCM cho biết, Công ty đã chủ động làm việc và báo cáo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và kế hoạch sử dụng lao động trong thời gian sắp tới với các cơ quan nhà nước từ cấp quận đến thành phố.
“Công ty sẽ tổ chức hai buổi tiếp xúc với người lao động, thông báo tình hình và kế hoạch nhân sự vào ngày 20/5 và ngày 3/6, thông tin các chế độ mà người lao động sẽ được hưởng trong trường hợp hai bên đạt được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; việc thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện của người lao động, nếu người lao động không đồng ý vẫn tiếp tục làm việc tại công ty” - ông Lâm thông tin.
Theo ông Lâm, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM phối hợp với công đoàn Công ty Pouyuen khảo sát nguyện vọng việc làm, đào tạo nghề của người lao động, nhất là lao động từ các tỉnh xa đến thành phố làm việc; triển khai tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn các quy định về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Về phía Liên đoàn Lao động TPHCM, đơn vị này sẽ tiếp tục nắm bắt thông tin về cắt giảm việc làm của các doanh nghiệp; số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động… để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, Liên đoàn Lao động TPHCM cũng chỉ đạo các cấp Công đoàn nắm chắc số lượng người lao động bị mất việc, bị cắt giảm lao động cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thông qua công đoàn cơ sở để có kết nối, giới thiệu việc làm phù hợp với ngành nghề, vị trí lao động.
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, so với cùng kỳ năm 2022, trong quý I/2023, số lao động được giải quyết việc làm tăng 0,16%, số việc làm mới tăng 0,03%. Khảo sát trên 3.900 doanh nghiệp về tình hình cung - cầu lao động cho thấy trong quý II/2023, có 877 doanh nghiệp cần tuyển gần 14.200 lao động. Ngoài ra, BHXH đã tiếp nhận 32.255 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp từ đầu năm tới nay; đã ban hành quyết định cho 28.618 người lao động đủ điều kiện, so với cùng kỳ giảm 4,1% (1.244 người). Số người lao động tham gia BHXH đến tháng 3/2023 là 2.476.381, giảm 2,2% so với cuối năm 2022.