Thể thao Việt Nam tiến hay lùi?

TP - Với hơn 90% số HCV thuộc về các môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic, giữ vững trí thứ 3 trên bảng xếp hạng toàn đoàn, SEA Games 29 được ngành thể thao đánh giá là thành công với Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều vấn đề cần tường minh.

Trước thềm SEA Games 29, khá nhiều ý kiến cho rằng, vị trí trong tốp 3 không quá quan trọng với Việt Nam lần này. Lý do, chúng ta đang hướng tới các môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic. 

Đây là một cách tiếp cận mới, nhưng giá như không phải đưa ra trong bối cảnh quan chức ngành lo lắng về việc Việt Nam bị cắt giảm một loạt môn thế mạnh, hay nguy cơ từ Indonesia (đang chuẩn bị cho Asiad) và Singapore thì lý thuyết trên ắt sẽ thuyết phục hơn. Ai trong nghề đều biết chắc chắn rằng, vị trí số 1 khó thoát khỏi tay chủ nhà, và Thái Lan đương nhiên chiếm vị trí thứ 2. Việt Nam đương nhiên cạnh tranh vị trí thứ 3 với các quốc gia còn lại. Nhìn vào cách Thái Lan vẫn thường trực thứ 2 ở các kỳ SEA Games (khi không phải chủ nhà), hoặc số 1 khi chủ nhà SEA Games quá yếu (như Lào năm 2009), rõ ràng vị trí ở SEA Games vẫn phản ánh một cách tương đối năng lực nền thể thao một quốc gia trong khu vực. Việc chủ nhà đại hội đưa vào chương trình thi đấu các nội dung thế mạnh là thông lệ, và chuyện các nước bị cắt giảm hoặc loại bỏ các nội dung thế mạnh không chỉ riêng Việt Nam phải chịu. 

Huy Hoàng (phải) là một trong 3 kình ngư Việt Nam giành được HCV tại SEA Games 29, bên cạnh Kim Sơn và Ánh Viên. Ảnh: VSI.

Rất may mắn cho đoàn TTVN khi trong ngày thi đấu cuối cùng, Singapore đã không thể tạo nên cơn mưa vàng ở môn trượt băng nghệ thuật vốn là thế mạnh, nên rốt cuộc chúng ta vẫn giữ được vị trí thứ 3. Nếu trong 4 HCB của Singapore ở ngày thi đấu cuối có 1 chiếc là HCV, thì họ đã chiếm vị trí của Việt Nam với sự vượt trội về tổng số HCB và huy chương các loại đoạt được. Tức là vị trí thứ 3 của chúng ta đang rất mong manh. Trong buổi trao đổi với báo chí sáng 30/8 (ngày thi đấu cuối), Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 29, ông Trần Đức Phấn đã phát biểu với tâm thế sẵn sàng cho việc bị rớt xuống thứ tư!

Đi sâu hơn, sẽ là không đầy đủ nếu cho rằng Việt Nam đã có một kỳ SEA Games 29 thành công. Thống kê chưa đầy đủ, số HCV của các môn thuộc hệ thống Olympic chiếm tới hơn 90% tổng số 59 HCV chúng ta giành được. Tuy nhiên cũng có một thực tế khác, là riêng bơi lội và điền kinh đã chiếm gần 1 nửa, 27 chiếc. Nói một cách khác, nếu là hướng tới Olympic, chúng ta đang phải trông đợi cả vào 2 môn này. Ngành thể thao cũng nên tỉnh táo, bởi trong số 3 chiếc huy chương chúng ta đoạt được gần nhất ở Thế vận hội thì 1 là của cử tạ (Hoàng Anh Tuấn năm 2008) và 2 của bắn súng (Hoàng Xuân Vinh năm 2016). Bơi lội và điền kinh, nếu nhìn vào thực tế thi đấu của Ánh Viên cũng như Nguyễn Thị Huyền ở Olympic Rio de Janeiro 2016, hẳn sẽ gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. 

Sâu vào chi tiết hơn nữa, trong số 17 HCV của môn điền kinh, duy nhất thành tích của VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo là vượt ngưỡng Asian Games. Với Ánh Viên, dù vẫn đoạt tới 8 HCV nhưng như thừa nhận của chính kình ngư Quân đội, SEA Games 29 vẫn là giải đấu thất bại của cô. Về chuyên môn, có đủ cơ sở để tin rằng đây là một phát biểu rất thật lòng của Ánh Viên. Việc Ánh Viên phải thi đấu một loạt nội dung và giành tới 8/10 HCV của bơi lội (2 chiếc còn lại của Kim Sơn và Huy Hoàng) cũng cho thấy một bộ mặt khác của bơi lội Việt Nam: quá ít lực lượng tiềm năng kế cận. Hãy nhìn sang Singapore, đội tuyển bơi lội của họ có tới 7 người đoạt HCV ở SEA Games 29. Đây là với những môn thành công, trong khi đó cũng ở SEA Games 29, chúng ta có một loạt môn Olympic khác không hoàn thành chỉ tiêu, như bắn súng, taekwondo, bắn cung…