Thế giới chia buồn với việc Giáo hoàng John Paul II qua đời

(TPO) Ngày 3/4, Thủ tướng Phan Văn Khải gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Tòa Thánh Vatican. Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao gửi lời chia buồn sâu sắc tới Tòa Thánh, cộng đồng giáo dân trên thế giới và bà con theo đạo Thiên chúa ở Việt Nam.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan nói: ''Tôi thực sự đau buồn trước cái chết của Giáo hoàng John Paul II. Ngoài việc là người hướng đạo tinh thần, Giáo hoàng còn là người ủng hộ không mệt mỏi cho hoà bình. Người rất quan tâm đến thế giới mà chúng ta sống...".

Tổng thống Mỹ George W. Bush nói: "Người Mỹ có những lý do đặc biệt để yêu mến Giáo hoàng". Tổng thống Bush cũng miêu tả Giáo hoàng John Paul II như một nguồn cảm hứng cho "hàng triệu người dân Mỹ và những người ở các nước khác. "Thế giới đã mất đi một nhà quán quân về hòa bình và tự do. Ông là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất trong lịch sử" - Tổng thống Bush khẳng định.

Trong bài diễn văn chia buồn của mình, Tổng thống Pháp Jacques Chirac ca ngợi Giáo hoàng John Paul II là "Niềm tin không bị che bóng, người có quyền uy điển hình và nhiệt tâm đáng khâm phục", "Lịch sử sẽ ghi dấu về Giáo hoàng".

"Giáo hoàng John Paul II đã viết nên lịch sử. - Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder nói - Qua công việc và và qua tính cách của mình, ông đã thay đổi thế giới của chúng ta".

Thủ tướng Anh Tony Blair cho biết: "Giáo hoàng John Paul II là người không bao giờ nao núng, không bao giờ chùn bước. Thế giới đã mất đi một nhà lãnh đạo tôn giáo, người được mọi người thuộc mọi tín ngưỡng và không tín ngưỡng kính trọng''. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi Giáo hoàng là một nhà hoạt động xuất chúng. "Tôi có cảm giác rất ấm áp khi nhớ lại các cuộc gặp với Giáo hoàng. Người rất sáng suốt, biết thông cảm và cởi mở trong cuộc hội thoại" - Tổng thống Putin nói.

Tổng thống Colombia Alvaro Uribe tuyên bố để quốc tang và ra lệnh treo cờ rủ trên khắp đất nước để tỏ lòng thương tiếc Giáo hoàng.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng tuyên bố để 7 ngày quốc tang. "Là một trong những quốc gia có người theo đạo Thiên chúa lớn nhất thế giới, Brazil cảm thấy rất đau buồn trước sự ra đi của một người đã để lại nhiều dấn ấn trong tiến trình của lịch sử đương đại" - Tổng thống Lula da Silva khẳng định.

Tại Ba Lan, chuông nhà thờ đã được gióng lên trên khắp mọi miền đất nước. Chính phủ Ba Lan quyết định để quốc tang trong 6 ngày.

Tại Italy, Thủ tướng Silvio Berlusconi nói: "Chúng ta biết ơn vì những công việc không mệt mỏi mà Đức Giáo hoàng đã làm". Trước đó Tổng thống Carlo Azeglio Ciampi cũng tuyên bố: "Người Italy đang khóc thương trước sự ra đi của một người cha. Đức Giáo hoàng sẽ luôn được nhớ đến như một trong những người của tự do và công lý".

Tổng thống Philippines Gloria Arroyo cũng bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước việc Giáo hoàng qua đời. "Nhân dân chúng tôi nhận tin Giáo hoàng đã ra đi với cảm giác đau buồn và tiếc thương sâu sắc".

Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas nói: ''Chúng ta sẽ mất Người như một nhân vật tôn giáo đặc biệt, người đã cống hiến cả đời mình vì hoà bình và công lý".

Nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc trước việc Giáo hoàng về với Chúa.

Tổng thống Ireland Mary McAleese nói Giáo hoàng John Paul II là một cột trụ của thế giới hiện đại, người luôn dốc lòng vì nhà thờ Thiên chúa và giúp đỡ người khác.

Thủ tướng Australia John Howard nói Giáo hoàng John Paul II là một cột chống của sức mạnh cũng như một người cung cấp niềm tin cho mọi người. 

Thủ tướng Canada Paul Martin nói: ''Lịch sử sẽ ghi lại Giáo hoàng John Paul II đã đóng góp quan trọng trong sự đổi mới dân chủ tại Trung và Đông Âu và chấm dứt Chiến tranh lạnh''.