THẾ GIỚI 24H: Thủ tướng Syria bất ngờ bị cách chức

TPO - Tổng thống Syria, ông Bashar al Assad bất ngờ ban hành chỉ thị hôm 11/6 để bãi nhiệm ông Imad Khamis, người giữ chức thủ tướng nước này từ năm 2016.  
Ông Imad Khamis giữ chức thủ tướng Syria từ năm 2016.

Theo Reuters, ông Assad chọn ông Hussein Arnous làm người thay thế ông Khamis. Truyền thông nhà nước Syria không đưa ra lý do cho động thái bất ngờ này của tổng thống, tuy nhiên nước này đang lún sâu vào khủng hoảng kinh tế trong thời gian gần đây, với đồng nội tệ lập đáy, khiến cho cuộc sống dân thường vốn không mấy dễ chịu nay càng khó khăn hơn.

Ngày 11/6, một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã kết án tù đối với một nhân viên lãnh sự quán Mỹ vì tội "tiếp tay cho khủng bố." Vụ việc này có thể sẽ tạo ra thêm nhiều rạn nứt trong quan hệ giữa Ankara và Washington vốn đã có nhiều căng thẳng. Theo đó, Metin Topuz, một phiên dịch viên của Lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul, bị kết án 8 năm 9 tháng tù giam. Ban đầu, Topuz bị buộc tội gián điệp, tìm cách lật đổ chính quyền và người này đã phải ngồi tù hơn 2 năm rưỡi trong lúc chờ xét xử.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 11/6 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 7.500.341 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 419.973 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 3.806.942 người. Mỹ vẫn là tâm dịch thế giới với 2.069.973 ca nhiễm và 115.242 ca tử vong. Xếp sau đó là Brazil với 775.581 ca nhiễm và 39.803 ca tử vong, và Nga với 502.436 ca nhiễm và 6.532 ca tử vong.

Người đứng đầu Viện y tế toàn cầu thuộc Đại học Harvard, Mỹ, vừa cảnh báo số người chết do Covid-19 ở Mỹ có thể lên tới 200.000 trong tháng 9. Theo chuyên gia này, tới nay Mỹ đã ghi nhận hơn 112.000 ca tử vong và điều này một phần là do Mỹ đã bắt đầu mở cửa trở lại trong khi chưa kiểm soát được số ca nhiễm mới. Theo ông Ashish Jha, số ca tử vong ở Mỹ hoàn toàn có thể tránh được nếu tăng cường xét nghiệm, truy tìm tiếp xúc, giãn cách xã hội và sử dụng rộng rãi khẩu trang.   

Bộ Quốc phòng Đức ngày 11/6 thông báo, Mỹ có kế hoạch điều thêm 600 binh sỹ tới Đức trong vài tuần tới để tham gia một cuộc tập trận quy mô lớn, vốn bị hoãn trong tháng 3 vừa qua do đại dịch COVID-19. Từ ngày 10/7, lực lượng trên sẽ cùng 400 quân nhân Mỹ tại Đức tham gia cuộc tập trận mang tên “Defender 20 Plus” kéo dài 3 tuần tại khu huấn luyện quân sự Bergen/Munster ở bang Niedersachsen.

Truyền thông Nhật Bản ngày 11/6 đưa tin, những lời đe dọa đánh bom tại nhiều địa phương vẫn tiếp tục xuất hiện trong những ngày qua. Cụ thể, ngày 11/6, thành phố Higashiosaka (tỉnh Osaka), trung tâm kinh tế lớn thứ hai của Nhật Bản, đã nhận được một email đe dọa đánh bom, buộc chính quyền thành phố phải quyết định sẽ đóng cửa một phần trụ sở hành chính của thành phố vào chiều 12/6. Trước đó, sáng 10/6, một email ký tên một tổ chức cực đoan ở nước ngoài đã được gửi tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh Tokyo với nội dung đe dọa sẽ cho đánh bom địa điểm này vào 3 giờ chiều 12/6, thậm chí nếu vụ nổ không thành sẽ có đối tượng dùng dao tấn công nhân viên của cơ quan này.

Ngày 11/6, Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Israel về việc sáp nhập các vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine ở khu Bờ Tây. Ông Aboul Gheit cho rằng kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ chiếm đóng ở khu Bờ Tây là hành vi “xâm lược tàn bạo” nhằm vào người dân Palestine và chủ quyền lãnh thổ của họ, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và hiến chương Liên hợp quốc, hủy hoại hoàn toàn cơ hội duy trì hòa bình trong khu vực.

Theo CNN ngày 11/6 đưa tin, một nghi phạm gây ra vụ xả súng nhắm vào đồn cảnh sát tại hạt San Luis Obispo, thành phố Paso Robles, bang California, Mỹ, rạng sáng 10/6 (theo giờ địa phương), khiến một cảnh sát và một dân thường thương vong. Nghi phạm được xác định là người Hồi giáo, rạng sáng 10-6, tên này nổ súng phía sau đồn cảnh sát hạt San Luis Obispo. Khi phó cảnh sát trưởng tiến ra ngoài tên này đã nổ súng vào đầu nạn nhân, làm viên cảnh sát bị thương nặng.

Ngày 11/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Vladimir Titov tuyên bố nước này sẽ đáp trả nếu Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan. Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher nêu rõ: "Nếu Đức muốn thu hẹp năng lực hạt nhân và làm suy yếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thì có lẽ Ba Lan sẽ là nơi triển khai các tiềm lực đó". Mỹ được cho là đang có khoảng 150 đơn vị vũ khí hạt nhân ở châu Âu.