Thầy thuốc hiến máu cứu người

TP - Không chỉ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, nhiều y bác sĩ ở Đà Nẵng còn trực tiếp xả thân hiến máu cứu bệnh nhân trong trường hợp nguy cấp.

> Chấn động bệnh viện truyền máu HIV cho bệnh nhi
> Hiến máu tình nguyện

Phòng Sinh (BV Phụ sản- Nhi TP Đà Nẵng) từ sáng sớm tấp nập sản phụ đến thăm khám, chờ sinh. Bảy giờ sáng, nữ hộ sinh chính Nguyễn Thị Thương Thương (37 tuổi) chuẩn bị kết thúc ca trực, song bất ngờ nhận ca bệnh khó.

Bệnh nhân Hồng Loan (sinh năm 1976, trú Thanh Khê Đông, Thanh Khê, Đà Nẵng) sau khi sinh con bị băng huyết, mất máu nhiều. Cần máu tươi truyền gấp cho sản phụ, nhưng người nhà bệnh nhân không ai cùng nhóm máu B. Chỉ trong tích tắc, chị Thương quyết định đi vào phòng lấy máu khẩn cấp hiến máu tiếp ứng.

“Sản phụ này sinh non, người suy nhược. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ làm thế nào tốt nhất, nhanh nhất để cứu sống bệnh nhân nên quyết định hiến máu”, chị Thương kể.

Nữ hộ sinh Thương chăm sóc sản phụ.

Giờ trực, chị Thương tất bật với hàng chục bệnh nhân. Dáng người nhanh nhẹn, khuôn mặt phúc hậu, nữ hộ sinh tận tình hướng dẫn bệnh nhân, khám tim thai, đo huyết áp.

Chị Thương theo nghiệp mẹ, chọn nghề nữ hộ sinh. Năm 1998, tốt nghiệp Trường CĐ Kỹ thuật Y tế T.Ư 2 (Đà Nẵng), chị Thương xin về làm nữ hộ sinh ở BV Đa khoa Đà Nẵng, rồi tách chuyển sang BV Phụ sản - Nhi.

Hơn chục năm gắn bó với nghề, chị Thương có đến gần 10 lần hiến máu cứu bệnh nhân.

Chị Thương nhớ lại: Hơn chục năm trước, khi mới đi làm, tôi gặp bệnh nhân bị vỡ lá lách, mất máu nhiều dẫn đến hôn mê. Thấy mình cùng nhóm máu (B) với người bệnh, tôi xin bác sĩ trực cho mình tiếp máu khẩn cấp.

Sau dạo đó, mỗi lần bệnh viện phát động hiến máu nhân đạo, chị Thương đều nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, nữ hộ sinh này có đến 5 lần hiến máu tình nguyện, trong đó 3 lần tự nguyện hiến máu cứu bệnh nhân trong tình huống khẩn cấp.

“Có lúc vào giữa ca trực, có khi gần tan ca, mệt nhưng nghĩ bệnh nhân đang cần gấp nguồn máu, tôi chỉ mong góp một phần nhỏ để cứu sống họ”, chị Thương tâm sự.

Gặp nữ hộ sinh Võ Thị Kim Ngân (49 tuổi, khoa Nhi, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng), khi chị đang dọn việc nhà, chị Ngân khá bất ngờ khi có phóng viên hỏi về chuyện hiến máu cứu bệnh nhân.

“Chắc ai cũng sẽ như mình cả thôi, thấy bệnh nhân bị nguy cấp thì hiến máu giúp họ, chứ không nghĩ đến chuyện được khen thưởng hay lên báo”, chị Ngân khiêm tốn. Tháng 6-2011, sản phụ Trần Thị Kiều Ly (37 tuổi, trú Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), bị đứt mạch máu sâu sau sinh, choáng váng, hôn mê.

Thấy bệnh nhân cần nguồn máu tươi khẩn cấp để truyền, chị Ngân tự nguyện đăng ký cho máu. Chị Ngân kể: Tôi lúc đó mới đi kiểm tra, xét nghiệm định kỳ, máu mình phù hợp và đảm bảo cho bệnh nhân.

Nếu lấy máu ngoài phải làm xét nghiệm, mất thời gian mà tính mạng bệnh nhân đang lâm nguy. Đây không phải lần đầu chị Ngân hiến máu cứu người. Từ khi còn là sinh viên trường Y, chị Ngân nhiều lần đăng ký các đợt hiến máu nhân đạo.

“Sau khi cho máu, người có mệt hơn một chút. “Cảm giác nhìn bệnh nhân dần hồi phục cứ thôi thúc tôi đăng ký hiến máu những lần sau”- chị Ngân tâm sự.

Ra trường từ năm 1985, chị Ngân từng có hơn 10 năm gắn bó với nghề nữ hộ sinh nơi miền núi Quế Sơn (Quảng Nam). Ngày đó, người dân lên xây dựng kinh tế mới, mọi thứ khó khăn, thiếu thốn. Không ít cán bộ trong đoàn bị sốt rét, tử vong.

Theo chị Ngân: Làm nữ hộ sinh đủ chuyện vui buồn, không ít lần chị băng đêm, vượt rừng đến nhà các sản phụ. Ở vùng cao, người dân chủ yếu sinh tại nhà. Biết chuyện, chị chạy đến phòng rủi ro... Theo gia đình về công tác ở Đà Nẵng, vào BV Đa khoa Đà Nẵng và tách sang BV Phụ sản-Nhi, chị Ngân đúc kết được nhiều kinh nghiệm: Mỗi nghề có khó khăn riêng, mình yêu thì gắn bó và thấy sự cao quý.

Chiều ngày 27 – 2, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thương Thương và Võ Thị Kim Ngân là hai trong số 20 thầy thuốc nhận giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” năm 2012 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức.

Theo Báo giấy