Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những ngày qua liên tục giảm mạnh. Tính đến đầu tháng 3, gạo loại 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 594 USD/tấn, thấp hơn gạo Thái Lan 15 USD/tấn và Ấn Độ 13 USD/tấn. Trong khi đó, gạo loại 25% tấm giao dịch khoảng 570 USD/tấn, thấp hơn gạo Thái Lan 7 USD/tấn.
Chỉ trong vòng nửa tháng trở lại đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 43 USD/tấn và giảm 69 USD so với đỉnh 663 USD/tấn vào tháng 12 năm ngoái.
Việc giá gạo xuất khẩu giảm đã tác động tới giá lúa gạo trong nước. Theo đó, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết. Đến nay đà giảm đã hạ nhiệt song do các địa phương đang trong giai đoạn thu hoạch chính nên nông dân cũng lo ngại giá xuất khẩu giảm sẽ tác động làm giảm giá lúa thêm.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, ở Tiền Giang - cho rằng, giá gạo xuất khẩu Việt Nam liên tục giảm do đang bước vào mùa vụ thu hoạch chính, nguồn cung dồi dào. Trong khi đó, các đối tác cũng quá am hiểu tình hình sản xuất của Việt Nam nên chủ động mua chậm lại.
“Họ canh mình để chờ giá gạo giảm vì doanh nghiệp muốn bán nhanh phải giảm giá. Phía doanh nghiệp cũng dè chừng vì tiềm lực có hạn và cũng xem thị trường thế nào mới quyết định mua vào nên tất cả đều chậm”, ông Đôn nói.
Ông Đôn dự báo, giá lúa gạo năm nay khó giảm sâu và sẽ tiếp tục duy trì ở mức tốt do nhu cầu thị trường thế giới vẫn ở mức cao. Các đối tác lớn như Phillipines, Indonesia... đều thông báo tăng khối lượng nhập khẩu gạo trong năm nay.
Theo ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group, thị trường lúa gạo đang biến động khá mạnh. Nếu như Phillippines vẫn giữ vị trí số 1 thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, các vị trí tiếp tục liên tục thay đổi, nhất là thị trường Pháp.
Cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam không ghi nhận xuất khẩu gạo sang thị trường này, trong tháng 1, nước này bất ngờ vươn lên vị trí thứ 4 khi nhập khẩu gần 18.000 tấn gạo từ Việt Nam, tương đương trị giá 18,6 triệu USD, gấp 164 lần về lượng và gấp 184 lần về trị giá so với tháng trước. Đặc biệt, giá gạo xuất sang thị trường này cũng ở mức rất cao, lên tới 1.000 - 1.100 USD.
“Các doanh nghiệp cũng đang đợi thêm sắp tới các nước nhập hàng như thế nào, cơ cấu dòng gạo ra sao để có lợi nhất nên thời điểm này đều mua vào khá hạn chế", vị này cho hay.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, không chỉ gạo Việt Nam mà giá gạo cùng phẩm cấp của các nước gồm Thái Lan, Pakistan cũng ghi nhận giảm. Việc giá gạo giảm do các nước đều vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào nên nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, đến nay cả nước đã thu hoạch khoảng 3,2 triệu tấn lúa. Cả năm 2024, theo kế hoạch Việt Nam sẽ gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, dự tính sản lượng vẫn trên 43 triệu tấn lúa.
Căn cứ theo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu năm nay, nếu nhu cầu tăng cao, Bộ NN&PTNT sẽ điều chỉnh theo hướng tăng diện tích vụ Thu Đông lên khoảng 700.000 ha như năm 2023, còn vụ Đông Xuân và Hè Thu nếu tăng cũng không đáng kể.
Theo ông Cường, thị trường lúa gạo có biên độ hẹp và biến động rất nhanh, do đó doanh nghiệp cần chủ động nắm thông tin, dự báo thị trường để chốt giá, chốt hợp đồng xuất khẩu với giá tốt nhất và mang lại lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp, cho nông dân sản xuất lúa.
"Rút bài học từ năm ngoái, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT để theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo khi các nước có nhu cầu", ông Cường chia sẻ.