Bí quyết của "ngôi sao" đầu bảng
Với nhiều nỗ lực, năm 2023, Bắc Giang được xem như "ngôi sao sáng" khi vươn lên dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng kinh tế địa phương (GRDP) 13,45%. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 17,25%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,63%; dịch vụ tăng 6,56%; thuế sản phẩm tăng 7,14%. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về vốn, thị trường, lưu thông hàng hóa, thủ tục hành chính… Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng 20,2%.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2023 cũng đánh dấu thành công lớn của Bắc Giang về thu hút đầu tư vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính đến cuối tháng 11/2023, toàn tỉnh đã thu hút được trên 3,2 tỷ USD vốn FDI, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ, đạt kỷ lục từ trước đến nay.
“Để có kết quả ấn tượng trong tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư, có được niềm tin của các doanh nghiệp, từ nhiều năm qua, Bắc Giang luôn chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư”, đại diện Sở KH&ĐT Bắc Giang cho biết.
Sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng được ghi nhận khi Bắc Giang vươn lên vị trí thứ 2 trên Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đánh giá về sự cải thiện môi trường kinh doanh của Bắc Giang, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) - cho biết, vận hành chính quyền các cấp của Bắc Giang khá tốt. Trong đó, có vai trò lớn của các sở, ngành trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, Bắc Giang có thái độ tích cực đối với doanh nghiệp tư nhân; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp là một văn hóa hành chính đã giúp Bắc Giang nâng thứ hạng.
“Thời gian tới, Bắc Giang cần tuyên truyền giúp mỗi người dân, cán bộ, công chức nhận thức rõ vai trò của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ giải quyết những vướng mắc, không đùn đẩy trách nhiệm. Tăng cường đối thoại, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Tuấn cho biết.
Tỉnh Hậu Giang vươn lên đứng thứ 2 cả nước với mức tăng trưởng 12,27% và dẫn đầu khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Trong đó, công nghiệp và xây dựng là khu vực đóng góp lớn nhất. Theo đại diện UBND tỉnh Hậu Giang, đạt kết quả này là nhờ tinh thần của lãnh đạo và toàn tỉnh mong muốn đổi mới, đột phá, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương đạt cao.
“Hậu Giang tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 ngay từ đầu năm; cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các cấp, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, sự đồng thuận của Nhân dân trong tỉnh”, đại diện UBND Hậu Giang chia sẻ.
Năm 2023 tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh ước đạt 11,03% gấp hơn 2 lần so với trung bình cả nước , đứng thứ nhất trong các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 toàn quốc.
Năm 2024, Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng trên hai con số, GRDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD. Mục tiêu trên được đưa ra dựa trên thành quả phát triển kinh tế-xã hội xuất sắc mà Quảng Ninh đạt được trong năm 2023.
Những địa phương “tụt sâu” xếp hạng
Thường xuyên nằm trong top các địa phương có mức tăng trưởng top đầu cả nước, nhưng năm 2023 tăng trưởng tổng sản phẩm của Bắc Ninh âm 9,28%, thấp nhất cả nước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt 78,9% kế hoạch. Số lao động mất việc, giảm giờ làm tăng và chỉ số sử dụng lao động giảm 7,45%.
Đánh giá về nguyên nhân của thực trạng này, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết do tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo. Bên cạnh đó, kinh tế Bắc Ninh có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài. Thị trường bất động sản, sản xuất công nghiệp điện tử gặp nhiều khó khăn.
Đánh giá nguyên nhân chủ quan, UBND tỉnh Bắc Ninh lý giải, công tác nắm bắt, dự báo tình hình có lúc còn chưa sát. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, chất lượng thấp. Một số cơ quan, đơn vị, cán bộ có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, giải quyết kéo dài thời gian.
Tỉnh Quảng Nam tiếp tục là địa phương “bét bảng” với mức tăng trưởng âm 8,2%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 21,7%, riêng công nghiệp giảm 24,3%. Tốc độ tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ hơn 4,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hơn 71.000 tỷ đồng, tăng 11%.
Theo đại diện tỉnh Quảng Nam, năm 2023, địa phương đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dù nỗ lực có nhiều kết quả, đã thực hiện ước đạt và vượt 12/15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm. Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Một số chỉ số cải cách hành chính giảm so với năm trước. Tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại đa số các cơ sở y tế công lập vẫn còn xảy ra. Vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Đời sống của một bộ phận người lao động, nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Đánh giá về sự thay đổi thứ hạng tăng trưởng của địa phương trên cả nước, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, bên cạnh yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan có vai trò quan trọng. Ông Doanh nhìn nhận, địa phương tăng trưởng cao đều có nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ. Môi trường kinh doanh góp phần giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
“Địa phương tăng trưởng mạnh mẽ cần tiếp tục phát huy điểm mạnh đạt được. Địa phương tụt hậu trong bảng xếp hạng cần thẳng thắn nhìn vào điểm yếu để cải thiện cải cách môi trường kinh doanh, nỗ lực vươn lên”, ông Doanh kiến nghị.