Thấy gì qua tập 1 “Người đẹp Nhân ái”?

TP - Tập 1 gồm 5 gương mặt thí sinh Hoa hậu Việt Nam và 5 dự án nhân ái đầu tiên lên sóng VTV9 tối qua 26/6 - có độ mới mẻ khác lạ so với các chương trình truyền hình thực tế khác. Những tập sau có thể tốt hơn nữa khi các thí sinh và người làm chương trình đều rút được kinh nghiệm.
Trần Ngô Thu Thảo (Tiền Giang) thay mặt Ban Tổ chức tặng quà chị Linh.

Ai nổi nhất?

Xắn tay vào việc, hiện thực hóa các dự án nhân ái, đều ở huyện Cần Giờ (TPHCM) đã giúp 5 thí sinh bộc lộ một phần năng lực, tính cách, tâm hồn mình.

Kinh phí của hoạt động này- như đã thông tin, do Ban Tổ chức huy động từ các nhà tài trợ, với sự thống nhất lựa chọn dự án của địa phương. Các người đẹp chung tay hành động, đưa thông điệp đến cộng đồng, chịu sự bình phẩm của hội đồng bình luận gồm bốn người: Trấn Thành, Xuân Bắc, Chi Bảo (nghệ sĩ), Trác Thúy Miêu (nhà báo).

Bốc thăm trúng dự án làm nước sạch cho học sinh trường tiểu học Thiềng Liềng xã Thạnh An, Nguyễn Thùy Linh (Đồng Nai) có cuộc tìm hiểu khó khăn của người dân trong việc có nước sạch để dùng. Cuối cùng, cô thay mặt Ban Tổ chức tặng hệ thống lọc nước giúp cuộc sống của họ cải thiện phần nào.

Linh thành thật: “Mọi người ở thành phố không quan tâm đến nước sạch, trong khi với người dân nơi đây đó lại là kho báu. Chứng kiến điều đó em có chút hổ thẹn”.

Các tập sau của Người đẹp Nhân ái lần lượt phát các tối Chủ nhật trên VTV9 lúc 20h

Diễn viên Chi Bảo thẳng thắn: “Tôi hơi thất vọng về cách bạn chọn để hòa nhập. Sao bạn lại chọn đôi giày đó, cái khăn đó, cái màu đó khi đến nơi đó”. Quả thực so với cảnh chân lấm tay bùn ở xã Thạnh An thì đôi giày thể thao của Linh năng động thật nhưng quá trắng.

Trong một cảnh Linh học chị Ánh- một người dân Thạnh An ghé vai gánh nước, Xuân Bắc nhận xét, nhìn dáng còng còng biết ngay cô gái này chưa gánh bao giờ, “Vậy em nghĩ gì khi gánh nước”. Linh: “Em nghĩ là mình phải làm được”.

Xuân Bắc dù trước đó nói đỡ cho Linh trước sự góp ý của Chi Bảo nhưng cũng bồi thêm một cú: “Anh hơi tiếc, giá em thử đặt mình vào vị trí cô ấy (Ánh) để hiểu sự vất vả cô ấy phải trải qua trong thời gian dài. Điều đó sẽ thôi thúc em hành động, giúp không chỉ cô ấy mà cả những người khác”.

Kích hoạt dự án “Lắp đặt đèn điện trên tuyến đường” là cô gái Tiền Giang Trần Ngô Thu Thảo. Cụ thể là lắp đặt đèn compac đóng mở tự động trên 6 tuyến hẻm ở các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo an ninh trật tự và tiết kiệm điện. Thảo gây được thiện cảm bởi vẻ chân thành cởi mở, nỗ lực hòa nhập, hơn là một đại sứ thiện nguyện rong chơi qua làng.

Nhiệm vụ của thí sinh Hoàng Thị Phương Thảo (TPHCM) xoay quanh việc “Bê tông hóa tuyến đường” dài 500 mét, rộng 2,2m vốn xuống cấp trầm trọng ở ấp Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn. H’ăng Nie (Dăk Lăk) thì có niềm vui tạo lập khu vui chơi cho trẻ với xích đu, cầu trượt, nhà banh...Ngày thường bọn trẻ ở đây hay vui vầy với sóng nước, cũng thích nhưng đôi khi nguy hiểm. Từ nay chúng biết rằng trẻ con còn nhiều trò khác cũng đáng chơi.

Tạo ấn tượng tốt nhất, nổi nhất trong tập 1 “Người đẹp Nhân ái” chính là Nguyễn Thị Như Thủy (Đà Nẵng). Thủy làm được không phải quá nhiều trong dự án “Bảo vệ lá chắn Cần Giờ”  nhưng vẻ hoạt bát sinh động, chân thật mà lại khôn ngoan cho thấy sự chín chắn bất ngờ của một cô gái 18 tuổi. Cùng với đoàn viên thanh niên địa phương, cô tham gia trồng 15 kg đước (tương đương 450 mầm cây) ở rừng ngập mặn, làm sạch bờ biển, tuyên truyền ý thức bảo vệ bờ biển... Thông điệp viết bằng vỏ nghêu của Thủy súc tích: “Biển sạch quê hương sạch. Rừng xanh đất nước xanh”.

Tán thưởng một thí sinh “nhân ái”.

Nhân ái, cần không?

Điều đặc biệt gây xúc động qua tập Người đẹp Nhân ái đầu tiên, hóa ra không phụ thuộc vào các thí sinh, mà chính ở nơi họ đến. Có lẽ nhiều người không thể ngờ được rằng, chỉ cách trung tâm TPHCM có 50 km mà cuộc sống của nhiều người dân lại cơ cực đến vậy. Huyện Cần Giờ có 69 cù lao lớn nhỏ, bốn bề là sông, biển. Nhiều người dân phải đi xa gánh nước ngọt, đổ vào lu dùng dần. Điện nước thiếu, cái ăn cái mặc còn sơ giản nữa là những hình thái vui chơi giải trí. Đọng lại màn ảnh là nụ cười ngây thơ trên những gương mặt nhem nhuốc của những đứa trẻ, hoặc nét khắc khổ của những người đàn bà Cần Giờ.

Về sự đổi mới của cuộc thi năm nay, có báo giật tít vẻ hơi chế giễu: Người đẹp phải thi...nhân ái. Xem tập đầu trong 8 tập thì thấy, có lẽ hoạt động này cần thiết hơn người ta tưởng. Còn rất nhiều cảnh đời, nhiều địa chỉ cần được biết tới, cần một sự chung tay. Với một thí sinh hoa hậu thì, hẳn là có lúc phải ra khỏi phòng tập catwalk, khỏi những nơi đã định để có trải nghiệm bất ngờ, tốt trước hết cho chính họ. Trừ phi ai đó không thích, buộc phải “diễn” để qua được ải này.

Giọt nước mắt của Thảo khi cô nói yêu mến đồng cảm với người dân địa phương, dường như không có chút gì giả dối. Cái ôm cô dành cho chị Linh- một phụ nữ hoàn cảnh khó khăn cũng vậy. Giọt nước mắt chia tay chị Linh dành cho cô, đến người ngoài cuộc còn cảm động. Tin rằng Thảo đã có những kỷ niệm đáng nhớ dù sau này ra khỏi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 với tư thế nào.

Chỉ hai ngày hoạt động ngắn ngủi và ít phút xuất hiện trên clip cũng như đối thoại trực tiếp với ban bình luận, Như Thủy đã được khen hết lời: “Em đã văn minh hóa, thú vị hóa công việc thiện nguyện”. Rõ ràng, chỉ qua một tập, thiện cảm dành cho mỗi thí sinh sẽ tăng lên hoặc giảm đi bằng vào việc họ làm, lời họ nói.

Được biết, mỗi dự án nhân ái này đều có giá trị không dưới 100 triệu đồng. Xem  tập 1 thì thấy tầm cỡ của từng dự án chưa được thể hiện rõ. Lắp đặt điện đóm hoặc bê tông hóa tuyến đường, làm khu vui chơi trẻ em ra sao- đều cần vừa cụ thể vừa tổng thể, để khán giả hình dung. Chương trình “Bảo vệ lá chắn Cần Giờ” mà Như Thủy là đại sứ chẳng hạn, ngoài chiến dịch làm sạch biển và bảo vệ rừng, thực ra còn có cả hoạt động hỗ trợ phương tiện làm ăn cho gia đình khó khăn- lưới đánh cá và đồng hồ điện: 10 triệu đồng, tặng học bổng cho trẻ con, đứa thì 10 triệu đứa 21 triệu. Những điều này không thấy trong chương trình.

Ban Giám khảo chấm giải Người đẹp Nhân ái để đặc cách vào Top 5, chứ không phải hội đồng bình luận. Tuy nhiên sự thẳng thắn, chân tình của 4 thành viên làm dự án sinh sắc hơn. Chắc chắn thí sinh rút được kinh nghiệm quí báu từ sự góp ý của họ. Nếu có thể, hội đồng cần thẳng thắn hơn nữa để các cô gái trưởng thành hơn, một sự trưởng thành sẽ giúp ích cho họ kể cả khi đã rời cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016.