Tại toạ đàm "Ứng dụng AI vào dạy học tiếng Anh ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay" vừa diễn ra, PGS.TS Lê Văn Canh chuyên gia nghiên cứu và tư vấn độc lập về giảng dạy tiếng Anh và ngôn ngữ học ứng dụng nói rằng, AI sẽ thay đổi toàn diện triệt để và định nghĩa lại toàn bộ khái niệm về học tập. Lớp học không còn là nơi duy nhất học sinh được lĩnh hội kiến thức.
Thay vào đó, các em có thể học mọi lúc, mọi nơi chỉ với thiết bị kết nối internet. Do đó, thầy cô giáo và các nhà quản lý cũng cần phải suy nghĩ để thay đổi phương pháp dạy học.
Trong giáo dục không ai thay thế được thầy cô, dạy học trực tiếp mang lại cảm xúc, sự sáng tạo nhưng phải khẳng định vai trò thầy cô đã khác, đòi hỏi cần sự thay đổi, phối hợp với AI để dạy học.
Nhìn nhận thực tế dạy học tiếng Anh trong các nhà trường hiện nay, PGS Canh cho rằng, để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là rất khó khăn. Bởi khi đó, không chỉ giáo viên ngoại ngữ mà các giáo viên khác cũng phải dạy học được môn đó bằng ngoại ngữ. Và dùng tiếng Anh để dạy các môn học khác liệu học sinh có tiếp thu được bằng dạy môn học đó bằng tiếng Việt hay không, điều đó chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể.
PGS nói rằng, chúng ta xác định "từng bước" đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là đúng. Tuy nhiên, hiểu "từng bước" ở đây thế nào cũng cần làm rõ. Vừa rồi có địa phương tính toán, nơi nào có điều kiện thuận lợi triển khai trước sẽ tạo nên sự bất bình đẳng trong xã hội.
"Từng bước" ở đây có thể bắt đầu lộ trình đòi hỏi sự tính toán kỹ càng từ học sinh tiểu học sẽ học thế nào, lên THCS - THPT và ĐH tạo ra lộ trình thống nhất. Trong đó phải tập trung vào thay đổi chương trình, đào tạo giáo viên. Tôi cho rằng, nếu làm tốt cũng mất khoảng 30 năm" - PGS Canh nói.
Các diễn giả đều cho rằng, AI đã trở thành một trong những công cụ quan trọng trong việc đổi mới và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động giáo dục trên toàn cầu. Nhờ khả năng xử lý khối lượng thông tin khổng lồ, AI có thể đưa ra phản hồi tức thì, tự động chấm bài, cải thiện phát âm và theo dõi sự tiến bộ của học viên mà không cần sự can thiệp trực tiếp của giáo viên.
Ngoài ra, việc sử dụng AI cũng có thể giúp học viên tiếp cận rất nhanh chóng những kiến thức mới mà không cần mất quá nhiều thời gian.
Phụ huynh cần xác định lại mục tiêu
PGS. TS Canh cũng cho rằng, không ít phụ huynh đầu tư tiền của cho con học ngoại ngữ nhưng không xác định được mục tiêu để làm gì. Phụ huynh mong muốn quá nhiều nên ngoài học chính, cho con học thêm nhiều nơi. Thực tế dạy học ngoại ngữ chúng ta đang quá chú trọng vào ngữ pháp.
Một vấn đề nữa đặt ra đó là những năm qua, phụ huynh, học sinh bước vào cuộc đua luyện chứng chỉ IELTS và hiểu nhầm, em đạt kết quả này cao là tài năng. Điều đó không đúng. Ngoại ngữ là công cụ để chúng ta bước ra thế giới nhưng không có kiến thức, giá trị để "mang đi" thì cũng chỉ dạo chơi.
Hay phụ huynh cũng đang kỳ vọng về việc chỉ cần có IELTS cao để đi du học trong khi không phải cứ du học về nhất định sẽ thành công.
Để dẫn đến thực tế đua nhau luyện chứng chỉ ngoại ngữ như vừa qua theo ông Canh có phần nguyên nhân do các trường ĐH lấy đó làm tiêu chí xét tuyển, làm mất công bằng đối với học sinh vùng khó khăn, không có điều kiện học tập ngoại ngữ. Trong khi thực tế không có đánh giá, nghiên cứu nào chỉ ra, học sinh điểm IELTS cao sẽ học tốt hơn những em khác.
"Việc này cần đặt ra vấn đề tại sao phải lấy điểm IELTS làm tiêu chí tuyển sinh và thấy bất hợp lý phải có sự điều chỉnh từ ngành giáo dục", ông nói.