Động lực vượt qua khó khăn
Căn phòng cấp 4 lợp mái tôn gắn biển Lớp khuyết tật (trường Tiểu học Sơn Lạc, ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) từ lâu là nơi gắn bó vui buồn của cô giáo Nguyễn Thị Hội. Đều đặn ngày hai buổi cô chăm lo việc học, chơi cho 12 học trò khuyết tật. Em lớn nhất tròn 14, nhỏ mới lên 7. Mỗi em một dạng khuyết tật, em bị câm điếc bẩm sinh, em bị down, em bị tim bẩm sinh, có em bại liệt hai chân...
Niềm vui của cô giáo Hội là mỗi sáng mai đến trường sớm để đón cậu học trò Chúc Minh Đức bị nhũn não bẩm sinh, câm điếc không nghe ai nhưng đến lớp thì đòi ngồi vào lòng cô giáo. Hay em Ma Văn Khánh bị tăng động, thiểu năng trí tuệ chẳng chịu ngồi yên bao giờ nhưng lại nghe lời cô. Cô Hội cũng thường xuyên trích tiền cá nhân mua bỉm cho cô học trò ham học Lâm Thùy Nhung bị liệt hai chân, không có cơ vòng hậu môn, đường tiêu hoá kém đại tiện không làm chủ được. Cô thương nhất những học trò mắc bệnh tim bẩm sinh, huyết tán mà thời gian đi viện nhiều hơn đi học và có em đã mất.
Mặc dù học trò không hoàn hảo nhưng mỗi ngày được tiếp xúc với các em là cô Hội hạnh phúc lắm rồi. "Những lúc bên các em tôi thấy rất vui vẻ, yêu công việc mà nhiều người từ chối làm”, cô Hội chia sẻ.
Ở lớp học đặc biệt này, học sinh chủ yếu là người dân tộc Dao, Nùng..., bị khuyết tật càng thêm khó khăn gấp bội. Cả lớp đang học bài bất giác có em đứng phắt dậy hò hét rồi lao ra ngoài, em lại gục đầu xuống bàn, em vắt chân lên ghế quay sang bạn bên cạnh..., cô Hội vẫn ân cần dạy, dỗ dành học trò. “Đối với các em, không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy các em biết tự phục vụ, kỹ năng sống hoà nhập cộng đồng. Tôi phải tìm tòi phương pháp phù hợp với khả năng nhận thức, dạng khuyết tật của từng em”, cô Hội nói.
Động lực giúp cô Hội vượt qua khó khăn để dạy học trò khuyết tật, thiểu năng xuất phát từ một chữ: THƯƠNG. Đó cũng là lý do cô tự nguyện xin nhận dạy lớp khuyết tật của trường cách đây gần chục năm.
Cha và chồng cô Hội đều mất sau cơn bạo bệnh dù đã bán hết nhà cửa, tài sản lấy tiền chữa trị. Một mình cô nuôi đứa con trai thơ dại và mẹ già. May mắn cô được đồng nghiệp hỗ trợ, quyên góp xây cho căn nhà nhỏ, yên tâm dạy học.
Được sinh ra đã là điều hạnh phúc
Đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái, người chúng tôi gặp đầu tiên là Nguyễn Thị Lụa - cán bộ hành chính, là học sinh khoá đầu tiên của trung tâm. Trong câu chuyện từ cô bé tự ti về dị tật, bệnh tim trở thành sinh viên ngành Tin học ứng dụng Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, rồi quay lại trung tâm, Lụa nhắc nhiều đến tình cảm, sự dạy dỗ của cô giáo Vân.
Lụa vẫn nhớ những lần bệnh tái phát, người co quắp khó thở đã được cô Vân thức suốt đêm trông nom, xoa nắn chân tay và làm mọi biện pháp trở lại bình thường. “Ở trung tâm, các cô giáo thay phiên nhau trực 24/24h, hỗ trợ học sinh từ việc tắm rửa, giặt giũ đến đi lại, học tập. Với trẻ khuyết tật, chuyện ốm đau, khóc lóc, đòi về, không chịu học bài vì chán nản diễn ra như cơm bữa nên các cô chịu vất vả nhiều. Nếu không tâm huyết và kiên nhẫn, có lẽ không ai có thể theo nghề tới hàng chục năm như cô Vân”, Lụa cho biết.
Cô Vân trong câu chuyện của Lụa là Nguyễn Thị Ái Vân, có gương mặt hiền hậu. Tốt nghiệp ngành Văn - Sử Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, cô Vân được phân công giảng dạy tại trường THCS xã Cảm Ân (Yên Bình, Yên Bái). Giờ dạy đầu tiên của cô không phải là Văn hay Sử mà là Sinh học và Kỹ thuật nông nghiệp lớp 7, do trường thiếu giáo viên. Chính giờ học đầu tiên trong đời cầm phấn, cô Vân đã gặp học trò khuyết tật đầu tiên để rồi 4 năm sau tự tin tiếp xúc, dạy dỗ trẻ khuyết tật khi được điều động về Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái.
Cô Vân chia sẻ, dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi sự kiên nhẫn, nắm bắt tâm lí và hơn hết là tấm lòng yêu thương các em. “Khi đi tập huấn, gặp anh em đồng nghiệp ở trường ngoài, ai cũng hỏi làm sao vượt qua được những khó khăn đó? Với các thầy cô ở đây, chỉ cần có một cái tâm”, cô Vân nói.
“Mỗi ngày nhìn thấy sự tiến bộ của các con dường như chúng tôi quên bớt đi sự mệt mỏi. Không chỉ là những thành quả lớn như các con đạt thành tích cao trong học tập, mà cả khi các con biết tự làm được một công việc tưởng chừng đơn giản. Các con biết cười khi vui, biết gật đầu cười khi gặp thầy cô”, cô Vân chia sẻ.
Và cô luôn tin tưởng “ngọn nến thẳng hay ngọn nến cong, khi được thắp lên thì đều cháy sáng lung linh”, mong muốn học trò của mình hiểu được đường đời còn nhiều khó khăn, nhưng được sinh ra đã là điều hạnh phúc và cần sống thật ý nghĩa.
Cô giáo Nguyễn Thị Hội, Nguyễn Thị Ái Vân là hai trong số 63 giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018, do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với tổ chức. Chương trình năm nay tôn vinh các thầy cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội.