Cty CP Tiên Viên là một trong những đơn vị thành công trong ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Đơn vị đã xây dựng quy trình chăn nuôi giống gà Ri theo công nghệ sạch áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật, các chế phẩm vi sinh nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, sạch. Theo đại diện đơn vị, gà Ri được áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi chặt chẽ từ khâu chọn giống, sản xuất con giống đến bao tiêu sản phẩm. Trong thời gian nuôi, gà được tiêm phòng vắc xin và không sử dụng biện pháp chữa trị bằng kháng sinh. Cty đã đầu tư xây dựng 8 chuồng trại hiện đại với quy mô chăn nuôi 150.000 gà đẻ và liên kết với 15 trang trại của các hộ chăn nuôi tại địa phương để đưa ra thị trường 3- 4 triệu quả trứng/tháng.
Cùng phát triển theo hướng trang trại hiện đại, Cty cổ phần Giống Ngọc Mừng (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã tiên phong trong ứng dụng phần mềm qua điện thoại thông minh để kiểm soát lượng cám, vận hành dây chuyền thức ăn chăn nuôi bán tự động. Việc áp dụng công nghệ vào chăn nuôi đã giúp rút ngắn công lao động, tăng năng suất. Hiệu quả thấy rõ khi trang trại gà rộng 17.000m2 mang lại doanh thu đến 9 tỷ đồng/tháng.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi trong quá trình triển khai còn gặp nhiều vướng mắc như đòi hỏi nguồn vốn lớn, quỹ đất rộng. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của một số sản phẩm chưa tương xứng với mức độ đầu tư.
Để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại cho chăn nuôi, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho rằng, cần tiến hành công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch vùng chăn nuôi để kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Áp dụng các chính sách phát triển công nghệ cao hiện hành hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao như sử dụng chuồng kín, tự động hóa ở các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi.
Chú trọng công nghệ gene, công nghệ sinh học, công nghệ di truyền học đầu tư vào cơ sở sản xuất giống nhập nội bổ sung các giống cao sản, cải tạo giống, phục tráng các nguồn gene bản địa tốt cung cấp vật liệu di truyền để nhân giống, lai tạo giống (như bò Vàng Việt Nam lai với các giống bò cao sản, gà Mía, gà Ri, gà Lạc Thủy, vịt Cỏ, lợn Móng Cái, lợn Ỉ...) phù hợp với nhu cầu sản xuất, tiêu dùng Thủ đô và xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hữu cơ và các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tiếp đó cần đào tạo cán bộ quản lý, các chủ trang trại lớn trong và ngoài nước. Cuối cùng là phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động chăn nuôi công nghệ cao.