Quan sát thị trường thời gian qua và xuyên suốt năm 2020, giới đầu tư cho rằng, khối ngoại đã mất vai trò chi phối. Theo đó, dòng vốn nội đã đủ sức “cân” vốn ngoại, đưa thanh khoản và chỉ số chứng khoán lập kỷ lục bất chấp khối ngoại bán ròng.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán (CTCK) SSI, quý 1/2021, khối ngoại đã bán ròng hơn 14.000 tỷ đồng trên HOSE, gần bằng lượng bán ròng trong cả năm 2020 (hơn 15.000 tỷ đồng).
Nửa đầu tháng 4/2021, giao dịch khối ngoại không có biến động tăng/ giảm đáng kể. Trong đó, hai phiên thanh khoản vượt 1 triệu USD, khối ngoại bán ròng 49,48 tỷ đồng (12/4) và mua ròng hơn 184 tỷ đồng (13/4). Trước đó, đợt xả mạnh của khối ngoại đã thu hút vốn nội quay trở lại. Chuyên gia của CTCK BVSC nhận định, dòng tiền nội vẫn là động lực chính hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong giai đoạn này.
Quý đầu năm 2021, theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, lượng tài khoản mở mới đạt 255.000 tài khoản. Riêng tháng 3, số tài khoản mở mới đạt kỷ lục 113.191 tài khoản. Thị trường giao dịch sôi động, kéo theo đó, nhu cầu sử dụng margin tăng vọt. Đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, không ít CTCK có kế hoạch tăng vốn trong năm 2021.
Tính đến hết năm 2020, dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) trên toàn thị trường vào khoảng 90.000 tỷ đồng. Đây là con số kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập. Hết năm 2020, nhiều CTCK đã tới ngưỡng giới hạn cho vay. Trong đó, CTCK MBS không còn dư địa cho vay, khi tỷ lệ dư nợ trên vốn chủ sở hữu đạt 200%.
Tại ĐHCĐ vừa qua, MBS cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 1.643 tỷ đồng lên 2.676 tỷ đồng, tương đương phát hành thêm 103,29 triệu cổ phiếu. Cuộc đua tăng vốn còn có sự tham gia của của các CTCK HSC, VNDirect, SSI, Bản Việt, … Như vậy, theo kế hoạch tăng vốn đã đặt ra, hàng trăm nghìn tỷ đồng sẽ được bơm vào thị trường trong năm nay.
Tính riêng tại SSI, quý 1/2021, CTCK này có mức tăng trưởng dư nợ cho vay ấn tượng, lên hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 68% so với quý 4/2020 và 110% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuyên gia của SSI nhận định, dòng tiền margin từ các nhà đầu tư nội tiếp tục là động lực quan trọng, giúp thị trường đứng vững trước áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại.
Theo quy định, các CTCK không được cho vay quá 10% vốn chủ sở hữu đối với 1 mã chứng khoán. Điều này dẫn đến việc, một số cổ phiếu "hot" rơi vào tình trạng hết "room" cho vay. Cơ cấu sử dụng margin cao, ngưỡng giới hạn cho vay ở một số CTCK chạm đỉnh, trong khi thanh khoản liên tiếp lập kỷ lục khiến nhà đầu tư đặt vấn đề về dấu hiệu dòng tiền sắp chững.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay (13/4), chuyên gia của CTCK Ngân hàng BIDV (BSC) nhận định, dòng tiền đầu tư suy giảm và chỉ còn 2/19 nhóm ngành tăng điểm mặc dù khối ngoại mua ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX. Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực với thanh khoản gia tăng so với phiên trước. BSC dự báo, những phiên giao dịch củng cố vùng giá mới sẽ tiếp tục diễn ra, trước khi có xác lập vận động tăng giá tiếp tục.
Phiên 13/4, VN-Index duy trì sắc xanh trong phần lớn phiên sáng nhưng đã giảm dần trong khoảng thời gian còn lại và hiện đã trượt trở lại xuống dưới mốc 1250.
VN-Index -4.12 điểm, đóng cửa 1248.33. HNX-Index -3.34 điểm, đóng cửa 292.19. Kéo chỉ số tăng: VIC (+8.37); VHM (+0.88); MSN (+0.74); VPB (+0.47); NVL (+0.35).Kéo chỉ số giảm: BID (-1.15); GAS (-0.95); VCB (-0.88); GVR (-0.88); HPG (-0.87).• Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 20,422 tỷ đồng, +2.2% so với phiêntrước. Tổng giá trị giao dịch đạt 23,470 tỷ đồng.
Biên độ dao động là 20.36 điểm. Thị trường có 113 mã tăng, 46 mã tham chiếu và 312 mã giảm.• Giá trị mua ròng của khối ngoại: 126.79 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm VIC (283.4 tỷ), MSN (107.9 tỷ) và NVL (57.2 tỷ). Khối ngoại mua ròng trên sàn HNX với giá trị 59.26 tỷ đồng.