Thận trọng trong chính sách quản lý thuốc lá mới để đạt mục tiêu phòng chống buôn lậu hiệu quả

Buôn lậu thuốc lá, gồm cả thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN), đang là thách thức lớn với công tác quản lý nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan ban ngành đều thận trọng về mặt chính sách, trong đó có vấn đề tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), cũng như chính sách quản lý thuốc lá mới để tránh “lợi bất cập hại”.
Toàn cảnh tọa đàm

25% thị phần là hàng lậu, 10.000 tỷ đồng thất thoát

Theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thuốc lá nhập lậu hiện đang chiếm tới 25% thị phần Việt Nam, làm “chảy máu” hơn 200 triệu đô-la và thất thoát hàng nghìn tỷ đồng thuế.

Mặt khác, trong nhiều năm nay sự gia tăng TLĐT, TLNN tại thị trường chợ đen cho thấy nếu không có chính sách phù hợp trong việc kiểm soát thuốc lá song hành cùng cơ chế cung cầu của thị trường, sẽ vô hình trung “nuôi lớn” thị trường hàng lậu.

Tại tọa đàm “Phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp” ngày 16/10/2024, ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng Cục quản lý Thị trường (TCQLTT), Bộ Công Thương báo cáo: Từ năm 2020 đến quý I/2024, cơ quan chức năng đã giải quyết trên 700 vụ liên quan thuốc lá mới (TLĐT, TLNN), xử lý và tiêu hủy hàng hoá trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng. Dù chỉ chiếm 10% tổng số vụ liên quan đến thuốc lá nói chung, nhưng giá trị hàng hóa của TLĐT, TLNN chiếm trên 80%.

“Với thuốc lá mới, tôi chưa nói đến những chính sách về thuế, bởi chưa có điều chỉnh cụ thể, nhưng chỉ tính riêng cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý tang vật tịch thu, tiêu hủy thì trong 4 năm qua, với hàng trăm vụ và hàng trăm nghìn sản phẩm, chi phí cũng lên tới nhiều tỷ đồng”, ông Công cho biết.

Tác hại của thuốc lá nhập lậu không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế, ngân sách quốc gia, mà quan trọng hơn là sức khỏe của người sử dụng và cộng đồng. Hút thuốc lá đã độc hại, nhưng thuốc lá lậu thì mức độ độc hại càng khó lường. Đặc biệt, vấn đề trà trộn ma túy, chất cấm vào TLĐT trong những báo cáo mới đây càng cho thấy vấn nạn buôn lậu đang “di căn” đến các vấn đề khác trong xã hội.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng góp ý: “Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lợi nhuận từ sản phẩm nhập lậu thường được dùng để hỗ trợ các hoạt động bất hợp pháp khác, như buôn bán ma túy, mại dâm, rửa tiền…, tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá và chống buôn lậu cần chú trọng như nhau

Trong cuộc họp tháng 9/2024 về Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khuyến nghị, chính sách đối với thuốc lá cần được xem xét kỹ lưỡng tác động đến các bên liên quan để tránh hệ quả tiêu cực. “Thuốc lá không phải là sản phẩm cấm nên cần ứng xử mềm dẻo,” ông Cường khẳng định. Điều này có nghĩa, chính sách cho thuốc lá phải dựa trên vận động của thị trường, cung cầu.

Kinh nghiệm cho thấy, nếu không có nguồn cung hợp pháp với mức chi phí phù hợp, hầu hết người hút thuốc vẫn không bỏ thuốc như giả thuyết do cơ quan chức năng đặt ra, mà sẽ tìm đến thị trường chợ đen. Số thuế thất thu và thị phần do các cơ quan báo cáo như trên chính là những con số biết nói. Trong tọa đàm ngày 16/10, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cũng nhấn mạnh: “Nếu không có nhu cầu thì chẳng ai buôn lậu làm gì”.

Do vậy, các đại biểu cho rằng không chỉ vấn đề thuế TTĐB mà việc quản lý TLNN, TLĐT cần phải thận trọng, không phải chỉ nhìn thấy một khía cạnh “hại là cấm”. Vì xét cho cùng, thuốc lá nào cũng gây hại, nhưng hướng tiếp cận của Chính phủ là “quản lý để phòng chống tác hại”. Một mặt đáp ứng nhu cầu của người hút thuốc, mặt khác ngăn chặn tác hại của thuốc lá trong cộng đồng.

Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng thường trực, Ban Chỉ đạo Quốc gia 389 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng cho hay: Nếu cho phép lưu hành thuốc lá mới trong khuôn khổ hoặc sản xuất theo quy định đặt ra, cần có các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các sản phẩm này, thì lực lượng chức năng sẽ có cơ sở thực hiện.

Đồng thời, các đại biểu cũng khuyến nghị: Nếu thuốc lá mới nào được xác định là thuốc lá và được quản lý bằng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, thì các biện pháp chế tài trong luật, kèm thêm lộ trình tăng thuế thuốc lá sẽ là phương pháp chế tài hiệu quả. Để làm điều này, bộ ngành khẳng định phải có pháp lý rõ ràng, riêng rẽ đối với TLNN, TLĐT.

Theo ông Lê Đại Hải, trong các sản phẩm thuốc lá mới thì TLNN dễ dàng nhận diện là sản phẩm thuốc lá vì được sản xuất từ lá thuốc lá như thuốc lá điếu. Cùng có nguồn gốc nguyên liệu thuốc lá, nên đề xuất cấm TLNN trong khi kiểm soát thuốc lá điếu hiện chưa nhận được đồng thuận từ phần lớn bộ ngành. Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ: “Chỉ nên cấm TLNN khi chúng ta cấm được tất cả thuốc lá truyền thống”.

Mặt khác, dưới góc độ tác hại, các bằng chứng đến nay do Bộ Y tế đưa ra vẫn chưa đủ thuyết phục để cấm mặt hàng này.

Trước đó, tại Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV ngày 5/6/2024, đại diện lãnh đạo Bộ trưởng Công thương cũng khẳng định sẽ chờ Bộ Y tế đánh giá chính thức về tác hại của TLNN, TLĐT. Nếu Bộ Y tế khẳng định sản phẩm thuốc lá mới nào có hại sức khỏe tới mức phải cấm, thì cần sớm sửa đổi quy định pháp luật liên quan.

Vấn đề phòng chống buôn lậu thuốc lá đang gặp nhiều thách thức, trong đó chính sách chính là công cụ bảo đảm cho hiệu quả. Theo các đại biểu, cần chính sách rõ ràng đối với từng loại thuốc lá, thuốc lá điếu, TLĐT, TLNN, v.v. với hướng dẫn đầy đủ và sự phối hợp giữa các cơ quan bộ ngành, trong bối cảnh ghi nhận nhu cầu thực tế từ thị trường. Theo các chuyên gia, nếu chính sách pháp luật chưa phù hợp, mục tiêu giảm tiêu thụ thuốc lá về bản chất chỉ giảm ở thị trường chính ngạch, nhưng lại tăng ở thị trường chợ đen.

Nhiều chuyên gia đề nghị mạnh mẽ chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Đồng thời tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy ‘không quản được thì cấm’, bám sát thực tiễn và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.