Đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Nhật đến Bắc Kinh trong hơn 3 năm, trong bối cảnh hai cường quốc châu Á muốn tìm tiếng nói chung khi căng thẳng khu vực ngày càng tăng.
Một nhân viên của hãng dược phẩm Astellas Pharma bị bắt giữ ở Trung Quốc với lý do không được công bố, phát ngôn viên của công ty cho biết cách đây 1 tuần. Ít nhất 16 công dân Nhật bị bắt giữ ở Trung Quốc với cáo buộc do thám kể từ năm 2015, Kyodo đưa tin.
“Tôi đã phản đối việc bắt giữ một người Nhật gần đây ở Bắc Kinh, và đưa ra quan điểm mạnh mẽ về vấn đề này, bao gồm việc phải thả sớm công dân”, ông Hayashi nói với báo chí.
Ông Tần Cương trả lời rằng Trung Quốc “sẽ xử lý vụ việc dựa theo luật”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Ngoại trưởng Hayashi cho biết Nhật Bản muốn sự minh bạch trong quy trình pháp lý liên quan đến vụ bắt giữ và đã đề nghị Trung Quốc bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn và công bằng. Ông không cho biết Trung Quốc trả lời như thế nào.
Ngoại trưởng Hayashi cũng cho biết đã bày tỏ quan ngại của Tokyo trước tình trạng Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự, bao gồm việc phối hợp với Nga và hiện diện quân sự trên biển Hoa Đông.
“Chúng tôi cùng khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại trong những vấn đề như an ninh quốc gia”, ông Hayashi nói.
Ngoại trưởng Nhật cho biết đã trao đổi với ông Tần Cương về “tầm quan trọng của việc bảo đảm hoà bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”. Bắc Kinh cho biết, ông Tần Cương đã cảnh báo Nhật “chớ can dự vào vấn đề Đài Loan hoặc làm suy yếu chủ quyền của Trung Quốc bằng bất kỳ hình thức nào”, đồng thời nhấn mạnh Đài Loan “là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.
Tháng 8 năm ngoái, Nhật Bản gửi phản đối ngoại giao đến Trung Quốc về việc 5 tên lửa đạn đạo do quân đội Trung Quốc phóng đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, ở khu vực gần nhóm đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku, còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Sau khi Tokyo thông báo sẽ hạn chế xuất khẩu máy móc sản xuất thiết bị bán dẫn giống như Mỹ, ông Tần Cương cảnh báo Nhật Bản “chớ đồng loã với kẻ bất lương”.
Mỹ và Hà Lan đã triển khai các biện pháp nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc trong sản xuất các loại chip hiện đại.
Ông Hayashi nói với báo chí rằng việc hạn chế này “không nhằm vào quốc gia cụ thể nào”.
Bất chấp nhiều khác biệt, Trung Quốc và Nhật Bản đồng ý tái khởi động đối thoại 3 bên cùng với Hàn Quốc. Ông Hayashi gọi đây là “thành tựu quan trọng” trong cuộc gặp với ông Tần Cương.
“Chúng tôi đồng ý tiếp tục trao đổi gần gũi trên nhiều cấp độ, bao gồm cấp ngoại trưởng và lãnh đạo”, ông Hayashi cho biết.