Thăm trang trại 6 hình thái

TP - Trang trại Xứ Tiên Farm với 6 hình thái “Biển-vườn-ao-chuồng-ruộng-rừng” của anh Bùi Ngọc Châu (44 tuổi, quê Quảng Nam) canh tác gần 30 loại cây trồng khác nhau theo hướng hữu cơ, tuần hoàn. Nhờ nghiên cứu ra cách làm tiến bộ, nâng cấp so với các mô hình khác, anh Châu được bình chọn là 1 trong 63 gương mặt của cả nước nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024".

Bỏ phố về làm nông

Để hiểu rõ hơn về trang trại có một không hai này, chúng tôi xuống xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng gặp vợ chồng anh Châu. Tại đây, chúng tôi cảm nhận được không khí trong lành của rau cỏ, mùi thơm thoang thoảng của hoa hồng toả ra. Vợ chồng anh Châu sinh ra và lớn lên tại huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), cả gia đình ba người đã lên đây sống từ năm 2017.

Anh Bùi Ngọc Châu (phải), 1 trong 100 gương mặt “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024”

Anh Châu kể, năm 2006, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin, anh làm việc tại một công ty ở TP HCM với mức lương 25 triệu đồng/tháng. Cuộc sống phố thị tấp nập, vội vã, bản thân lại muốn gắn bó với nông nghiệp, hai năm sau anh quyết nghỉ việc để trở về quê khởi nghiệp. Thời điểm đó, anh bị bạn bè, hàng xóm bàn tán rất nhiều.

Bỏ qua bàn tán, anh Châu quyết định khởi nghiệp bằng mô hình nuôi bồ câu thương phẩm. Vốn gắn bó với nông nghiệp từ nhỏ, anh tranh thủ thời gian tìm hiểu và học hỏi thêm về nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp vi sinh. Sau khoảng 5 năm học tập, tích luỹ, anh Châu được mọi người biết đến về nông nghiệp sạch, hữu cơ nên được nhiều đơn vị ở các tỉnh, thành phố trong cả nước mời tư vấn, trong đó có Lâm Đồng. Sau khi thoả thuận với vợ, năm 2014, cả hai ôm theo con nhỏ lên TP Đà Lạt sinh sống.

“Để có cuộc sống ổn định như hôm nay tại đây, trong 6 năm, vợ chồng tôi cùng con nhỏ chuyển qua 4 tỉnh, thành phố để tìm kiếm cơ hội phát triển. Tuy nhiên, cơ duyên đến vào năm 2020, khi hợp đồng thuê 0,7ha đất của hai vợ chồng ở TP Đà Lạt hết hạn. Thời điểm đấy, hai vợ chồng chán cuộc sống ở thành phố nên mạnh dạn vay vốn mua 3ha vườn ở xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà để trồng rau, cà phê và chăn nuôi”, anh Châu tâm sự.

Vợ chồng Châu kiểm tra chất lượng vườn rau củ đến kỳ thu hoach

Trang trại độc lạ 6 hình thái

Những ngày cuối tháng 9, thời tiết huyện Lâm Hà mát mẻ, hàng chục thành niên trong Xứ Tiên Farm (tên trang trại của anh Châu) hăng say làm việc, thu hoạch từng cây rau xanh mướt. Dẫn chúng tôi đến một vườn rau cải, anh Châu cho hay, các loại rau củ trong trang trại hoàn toàn sạch.

“Mô hình nông nghiệp tuần hoàn của đôi vợ chồng xứ Quảng này không chỉ là mô hình điểm của xã mà còn tạo công ăn, việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương với mức lương ổn định. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ là cầu nối để liên kết, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình cho người dân muốn làm nông nghiệp giống cách làm trên”.

anh Hoàng Minh Đức -

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Đức

Chúng tôi hỏi cách làm mô hình này khác gì để “vượt mặt” rất nhiều cách làm để trở thành một trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024? Anh Châu đáp, trước đây, người dân đã làm mô hình Vườn-ao-chuồng (VAC) từ lâu. Tuy nhiên, mô hình này lại chưa áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc, thiết bị hay công nghệ vi sinh,... Vì vậy, anh đã tự nghiên cứu làm nông nghiệp tuần hoàn với 6 hình thái, có thể nói là tiến bộ, nâng cấp so với mô hình VAC.

Thấy chúng tôi còn băn khoăn, anh Châu liền nói, các yếu tố trên trong cách làm “Biển-vườn-ao-chuồng-ruộng-rừng” (BVACRR) có công dụng khác nhau nhưng luôn bổ trợ cho nhau. Hiện cách làm này đã áp dụng ngay chính trong trang trại của anh. “Ngoài việc sử dụng các yếu tố VAC tại chỗ, trang trại tôi còn được bổ sung lượng lớn đạm từ biển bằng cách lên men, tinh chế phụ phẩm như đầu, ruột, vây cá,… tái chế từ nguồn mùn của thảm thực vật rừng, đáy sông suối. Tuy không trực tiếp có yếu tố biển và rừng trong trang trại nhưng tôi vẫn có cách để xây dựng vòng tuần hoàn do mình sáng lập ra”, anh Châu giải thích.

Qua quan sát, trang trại rộng 3ha của anh Châu được phân chia theo nhiều khu như khu vườn ươm, vườn cà phê xen nuôi gà đồi, khu chế biến… “Trang trại trồng khoảng 30 loại rau khác nhau và đang sử dụng công nghệ hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ để cải tạo đất, phục hồi đất. Trang trại cho thu khoảng 70-80 tấn rau mỗi năm trên một ha, thu từ 10-20 triệu đồng mỗi ngày. Hiện các loại rau được bán từ Huế vào đến TPHCM với mức giá cao hơn thị trường từ 30-40%”, anh Châu cho biết.