Thách thức nào chờ đợi TBN, Đức, và Hà Lan ở EURO 2012?

Tây Ban Nha, Hà Lan, và Đức đã lần lượt xếp ở ba vị trí cao nhất tại World Cup 2010, và tại giải đấu lớn tiếp theo là EURO 2012, họ vẫn là những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch.

> EURO 2012: khi những ông già làm...cách mạng sex

Đây là điều không phải bàn cãi bởi Tây Ban Nha, Hà Lan, và Đức đã chứng tỏ được rằng họ ở một đẳng cấp khác so với phần còn lại. Tại vòng loại EURO 2012, Tây Ban Nha và Đức đã toàn thắng trong khi Hà Lan thắng 9 trên 10 trận.

Dù vậy, 3 đội bóng mạnh nhất châu Âu hiện nay vẫn tồn tại những vấn đề riêng của mình và nếu không tìm ra giải pháp, họ hoàn toàn có thể trải qua một kỳ EURO thất bại.

Tây Ban Nha: Kế hoạch B của Del Bosque là gì?

Mỗi đội bóng dù mạnh đến đâu cũng phải phát triển lối chơi nhằm tránh bị bắt bài. Tây Ban Nha đã tìm ra công thức chiến thắng tại World Cup cách đây 2 năm, đó là lối chơi tiqui-taca.

Nhưng chính khả năng kiểm soát bóng siêu hạng đến mức “tàn nhẫn” của họ, khiến đối phương phải mệt lử và chán nản, mới là công thức chiến thắng của TBN chứ không phải là sự hiệu quả trong cách đá này

. Nên nhớ, kể từ vòng knock-out tại World Cup 2010, TBN đã giành 4 chiến thắng đều với tỷ số 1-0 và bàn thắng đều đến trong hiệp 2 khi mà đối phương đã thấm mệt.

Để phá vỡ bế tắc, TBN luôn cần một điều gì đó khác biệt so với cách chơi truyền thống của họ. Tại World Cup 2010, TBN có 3 phương án B để áp dụng mỗi khi rơi vào bế tắc. Đầu tiên là những pha xâm nhập vòng cấm đối phương của Cesc Fabregas từ tuyến giữa, phương án đã phát huy hiệu quả và mang tính sống còn với TBN trong trận chung kết với Hà Lan.

Thứ hai là sử dụng những nhân tố mới lạ trong đội hình, như Jesus Navas hoặc Pedro Rodriguez – người đã được sử dụng trong trận chung kết. Thứ ba là lựa chọn lối chơi bóng bổng trực diện – điều rất xa lạ trong cách chơi tiqui-taca.

Ở trận gặp BĐN ở vòng 2, tiền đạo giỏi không chiến Fernando Llorente được Del Bosque sử dụng và đã chơi rất hiệu quả.

Nhưng tại EURO 2012 này, Del Bosque dường như vẫn chưa sẵn sàng với các phương án thay thế khi mà ông vẫn tin dùng vào đội ngũ không có mấy thay đổi so với World Cup cách đây 2 năm.

Hà Lan: Nan đề ở tuyến giữa

Hà Lan đã đi đến trận chung kết World Cup 2012 nhờ sử dụng lối chơi với 2 tiền vệ phòng ngự thuần túy thiên về sức mạnh là Nigel de Jong và Mark van Bommel. Nhưng đây cũng chính là vấn đề của ĐT Hà Lan hiện nay mà huyền thoại Johann Cruyff đã chỉ ra.

“Rắc rối gặp phải khi sử dụng 2 tiền vệ phòng ngự rất dễ để nhận ra nhưng một số người lại không nhìn thấy. Với lối đá này, quá trình triển khai bóng diễn ra quá chậm và việc sử dụng 2 tiền vệ phòng ngự cũng đồng nghĩa với việc bạn phải hy sinh một người làm bóng sáng tạo”, Cruyff bình luận.

Sở dĩ Hà Lan thành công với 2 tiền vệ phòng ngự ở tuyến giữa tại Nam Phi là bởi phong độ xuất sắc của Wesley Sneijder – cầu thủ duy nhất có nhiệm vụ sáng tạo ở hàng tiền vệ.

Tuy vậy, Sneijder được ngợi ca ở World Cup là bởi khả năng ghi bàn của anh hơn là khả năng tạo ra các cơ hội – nhiệm vụ chính của anh. Hơn nữa, phong độ hiện nay của Sneijder đã quá sa sút so với cách đây 2 năm.

Do đó, Bert van Marwijk cần phải sử dụng một tiền vệ sáng tạo bên cạnh Van Bommel ở khu vực giữa sân nhằm “mềm hóa” lối chơi. Rafael van der Vaart có thể chơi được ở vị trí này nhờ tầm quan sát và kỹ thuật cá nhân điêu luyện.

Một sự lựa chọn thú vị khác là Kevin Strootman. Tài năng trẻ của PSV có khả năng điều tiết trận đấu từ phần sân nhà cực tốt. Hà Lan thường triển khai bóng rất chậm từ tuyến dưới lên trên, tạo điều kiện cho đối phương có thêm thời gian để triển khai phòng ngự.

Chính vì vậy, những đường chuyền cực nhanh và chính xác hướng lên phía trước của Strootman sẽ khiến Hà Lan khó lường hơn trong tấn công. Vấn đề ở đây là Van Marwijk có từ bỏ chiến thuật sở trường để chơi cống hiến hơn hay không.

Đức: Cách chơi chính là vấn đề

Đối với ĐT Đức, vấn đề của họ là lối chơi chứ không phải các cá nhân riêng lẻ. Thứ bóng đá hủy diệt mà Đức trình diễn ở Nam Phi dựa trên khả năng phòng ngự-phản công điêu luyện của họ.

Ở các chiến thắng đậm trước Anh và Argentina, Đức đều có bàn mở tỷ số từ sớm để buộc đối thủ phải lao lên và lộ khoảng trống, từ đó áp dụng lối đá phòng ngự-phản công hết sức hiệu quả.

Nhưng khi phải đối mặt Tây Ban Nha – đội chủ trương giữ bóng lâu và không vội vàng lao lên – lối chơi của Đức đã không còn phát huy hiệu quả.

World Cup 2010 là giải đấu lớn thứ hai liên tiếp mà người Đức phải chịu dừng bước trước Tây Ban Nha bởi những trận thua tối thiểu.

Chính vì vậy, nếu HLV Joachim Loew không có sự cải thiện về mặt chiến thuật, khả năng họ tiếp tục trở thành bại tướng của Tây Ban Nha (nếu hai đội gặp nhau) rất dễ xảy ra.

Vấn đề lúc này của Đức chỉ nằm ở lối chơi chứ không phải con người bởi họ đang sở hữu một tập thể đầy tài năng, thông minh, và kỷ luật. Xương sống trong lối chơi của Đức sẽ nằm ở đôi chân của Mesut Oezil.

Theo thethaovanhoa.vn

Theo Đăng lại