Tên lửa đạn đạo của Nga sẽ trở thành “vô đối”?

Ngày 19/9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng tên lửa chiến lược của nước này sẽ bắt đầu đưa vào sử dụng một hệ thống chỉ huy và kiểm soát tự động thế hệ mới từ năm 2016.

> Mỹ lần đầu đánh chặn tên lửa đạn đạo ‘trong điều kiện khó khăn nhất’
> Tên lửa Nga 'thách đấu' hệ thống phòng thủ Mỹ

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Dmitry Andreyev, hệ thống mới này sẽ cho phép định vị, xác định lại mục tiêu của các tên lửa một cách nhanh chóng, đảm bảo việc chỉ huy, kiểm soát một cách có hiệu quả đối với tất cả các đơn vị và bộ phận.

Hệ thống chỉ huy và kiểm soát mới này dựa trên cơ sở truyền mệnh lệnh tác chiến bằng kỹ thuật số thẳng đến các bệ phóng tên lửa, chứ không qua các cấp trung gian.

Hệ thống chỉ huy và kiểm soát thế hệ thứ năm do Nga đang phát triển sẽ sử dụng các kênh thông tin liên lạc có dây, vô tuyến và vệ tinh có thể chống nhiễu cũng như các hình thức can thiệp khác, ông cho biết thêm.

Vị phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga còn khẳng định, hệ thống chỉ huy và kiểm soát này nhỏ gọn, đáng tin cậy và tiêu thụ năng lượng thấp, đảm bảo truyền dẫn thông tin an toàn, chống được những tác động từ bên ngoài.

Sau khi được trang bị Hệ thống chỉ huy và kiểm soát thế hệ thứ năm, các hệ thống tên lửa đạn đạo Nga đã mạnh lại càng thêm mạnh. Ngày 2/4/2013, Đại tướng nghỉ hưu Viktor Yesin, cựu Tham mưu trưởng các lực lượng tên lửa chiến lược Nga (giai đoạn 1994-1996) tuyên bố, Mỹ sẽ phải cần từ 5 đến 7 tên lửa đánh chặn triển khai trên đất liền (GBI) để đánh chặn một tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga.

Ông nói tại một cuộc hội thảo ở Moscow: “Từ các cuộc tiếp xúc của tôi với giám đốc Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ, tôi cho rằng Mỹ sẽ phải cần từ 5 đến 7 tên lửa đánh chặn để tấn công một tên lửa Topol-M”.

Ông Yesin cho biết thêm, Mỹ đã triển khai 30 tên lửa GBI, 26 quả tại Alaska và 4 tại California. Theo ông, hiệu quả của các tên lửa đánh chặn này của Mỹ “có phần nào đó hạn chế".

Theo anninhthudo.vn

Theo Đăng lại