Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin RND của Đức vào đầu tuần này, Roderich Kiesewetter - chuyên gia chính sách đối ngoại, thành viên của đảng đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cho biết: "Các đối tác của Ukraine nên cung cấp cho họ mọi thứ mà họ có thể sử dụng và được luật pháp quốc tế cho phép".
Theo Kiesewetter, Đức có một số lượng nhỏ Taurus KEPD 350 và các tên lửa có độ chính xác cao này sẽ cho phép Ukraine tiến hành các cuộc phản công.
Ông cũng nhấn mạnh rằng việc sử dụng các tên lửa dẫn đường này ở Ukraine sẽ hợp lý hơn nhiều so với việc cất giữ chúng ở Đức.
Taurus là sản phẩm của liên doanh giữa MBDA Deutschland của Đức và công ty Saab Bofors Dynamics AB của Thụy Điển. Tên lửa hành trình không đối đất tầm bay 500 km này có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không dày đặc và phá huỷ mục tiêu quân sự cố định, bán cố định nằm sâu trong lòng đất.
Điểm làm nên uy lực cho vũ khí này là khả năng tàng hình và thiết kế theo dạng mô đun có thể được lắp ráp theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào nhiệm vụ tấn công. Taurus có chiều dài 5 m; sải cánh 2,1 m; trọng lượng 1.400 kg vận tốc cận âm khoảng 1.100 km/h.
Tên lửa trang bị đầu đạn kép MEPHISTO nặng 500 kg có thể xuyên thủng lớp bê tông dày tới 6 m với độ chính xác tới 2-3 m. Theo thông tin từ nhà sản xuất, đầu đạn MEPHISTO thậm chí có thể được lập trình để phát nổ trên một tầng cụ thể được chọn trước của một tòa nhà nhất định.
Taurus có thể lắp đặt trên nhiều loại tiêm kích như Tornador, Gripen, FA-18, F-15... Cơ chế điều khiển tên lửa kết hợp giữa hệ thống quán tính, hệ thống tham chiếu hình ảnh, hệ thống khảo sát địa hình và dẫn đường bằng hồng ngoại trong giai đoạn cuối. Sau khi thâm nhập vào sâu bên trong mục tiêu, tên lửa sẽ phát nổ để làm tăng thiệt hại bên trong.
Điểm đặc biệt của Taurus là nếu không tự xác định được mục tiêu, tên lửa sẽ tự hủy trên không để tránh hậu quả không mong muốn.