> Ba hạm đội Hải quân Trung Quốc tràn xuống Biển Đông
> Toàn cảnh đối đầu TQ - Philippines ở Bãi Cỏ Mây - Trường Sa
Vừa qua, USS Nimitz đã tiến hành một khoa mục diễn tập mang một thông điệp có sức nặng là “Yểm trợ giữ đảo”, mục đích chính là uy hiếp lực lượng tàu chiến Trung Quốc ở bãi Cỏ Mây, đồng thời cũng nhắc nhở đồng minh Philippines về một “diễn biến khó lường” trong tương lai.
Ngày 15 vừa qua, tàu sân bay này đã tổ chức cuộc tập trận chung với lực lượng hải quân 2 nước Nhật - Hàn trên biển Hoa Đông với tưởng định “Bảo vệ quyền lợi hải dương”. Tuy cuộc diễn tập này chỉ kéo dài có 1 ngày nhưng có quy mô cực lớn, điều này đã khiến Trung Quốc rất không hài lòng.
Sau đó, bắt đầu từ ngày 22/05, trên đường đến biển Đông, CVN-68 đã tiến hành hàng loạt động thái biểu dương lực lượng như: Tiến hành các cuộc huấn luyện cất, hạ cánh khẩn cấp cho tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet, bổ sung đạn dược trên biển và huấn luyện bắn đạn thật với các mục tiêu cơ động trên biển.
Tất cả các hoạt động này không chỉ được các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ tuyên truyền rầm rộ mà nó còn được Bộ tư lệnh hải quân Mỹ và Hạm đội 7 thông báo công khai. Ví dụ như: Các phi vụ cất cánh của máy bay cảnh báo sớm (AWACS) E-2C “Hawkeye”, máy bay trinh sát - tác chiến điện tử EA-6B Prowler, vào ngày 22, hoạt động dồn dập của tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet ngày 23….
Trên tất cả các bức ảnh còn chú thích rõ: Tàu sân bay CVN-68 USS Nimitz trên biển Đông. Ngoài ra, nhiệm vụ của biên đội tàu sân bay này trên biển Đông được giải thích rõ là hợp tác an ninh khu vực và an toàn hàng hải. Trong khi đó, trên biển Đông đang có sự hiện diện tàu chiến của đầy đủ 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải của Trung Quốc.
Thông thường, Mỹ không bao giờ công khai hoạt động của các tàu chiến ở khu vực biển Đông, nhưng từ khi tình hình bãi Cỏ Mây trở nên căng thẳng, đột nhiên thông tin về hoạt động của các biên đội tàu Mỹ trở nên nhộn nhịp bất thường. Điều này không nằm ngoài mục đích cảnh cáo các tàu chiến Trung Quốc, răn đe Trung Quốc là Mỹ sẽ hậu thuẫn cho Philippines trong cuộc chiến sống còn trên biển Đông.
Các phương tiện truyền thông cho biết, tàu sân bay USS Nimitz mang theo chi đội máy bay tấn công 11 thuộc liên đội không quân hạm số 11, bao gồm máy bay tiêm kích hạm F/A-18 C/D/E/F; trung đội máy bay dự cảnh số 117, chủ yếu là máy bay E-2C “Hawkeye”, đồng thời tăng cường thêm một trung đội máy bay chống ngầm và máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler.
Biên đội hộ tống tàu sân bay còn có các tàu thuộc Chi đội tàu khu trục 23, bao gồm: Tuần dương hạm lớp Ticonderoga CG-65 USS Chosin, khu trục hạm lớp Arleigh Burke DDG-102 USS Sampson, khu trục hạm lớp Arleigh Burke USS Pinckney (DDG 91) và tàu hộ vệ lớp Oliver Hazard Perry USS Rentz (FFG 46), ngoài ra, còn có 1 tàu ngầm hạt nhân tấn công rất mạnh.
Trong thời gian qua, hình ảnh được truyền tải chủ yếu là hoạt động của tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet. Đây là loại máy bay chiến đấu đa năng của Hãng McDonnell Douglas sản xuất chuyên dụng trên tàu sân bay. Tổng cộng đến nay Mỹ đã sản xuất tới 1458 chiếc máy bay loại này.
F/A-18 Super Hornet là loại máy bay trên hạm đầu tiên tích hợp đầy đủ 2 chức năng tiêm và cường kích. Ngoài trang bị tên lửa chống hạm AGM-84, F/A-18 Super Hornet còn có khả năng không chiến, tấn công mặt đất rất mạnh, hơn nữa nó thuộc loại máy bay đã được huấn luyện rất thành thục của không quân hải quân Mỹ.
Từ đầu năm nay, hải quân Mỹ đã gia tăng đáng kể sự hiện diện trên biển Đông, đặc biệt là thời gian hoạt động càng ngày càng dài của các tàu sân bay. Mới chỉ tháng trước, tàu sân bay CVN-74 USS John C.Stennis vừa mới triển khai một loạt hoạt động quân sự trên biển Đông.
Khi đó, đích danh phóng viên của hải quân Mỹ đã phát đi một thông điệp từ trên tàu sân bay: “Biển Đông đang là trọng điểm tranh chấp của một số quốc gia vì lượng dự trữ dầu mỏ và tài nguyên hải dương phong phú, nhưng biển Đông là tuyến đường biển quốc tế cực kỳ quan trọng, mỗi năm hơn 1/3 lượng hàng vận tải biển trên thế giới lưu thông qua đây. Hải quân Mỹ cũng có trách nhiệm bảo vệ an ninh biển và an toàn hàng hải trên tuyến đường này”.
Biên đội tác chiến tàu sân bay USS Nimitz lần này đến biển Đông với mục đích công khai là “Tăng cường hợp tác với hải quân các nước bạn bè ASEAN, thể hiện quyết tâm bảo vệ lợi ích của đồng minh”. Hiện tình hình Philippines - Đài Loan và Philippines - Trung Quốc đang hết sức căng thẳng, sự có mặt của USS Nimitz ở biển Đông có giá trị trấn an đồng minh hết sức to lớn.
Các máy bay dự cảnh E-2C sẽ mượn cớ huấn luyện để giám sát và thu thập thông tin tình báo về tàu thuyền của Đại Lục và Đài Loan trên biển Đông. Từ các thông tin đó, biên đội tàu sân bay Mỹ tiến hành diễn tập với các khoa mục yểm trợ cho các tàu vận tải, chi viện hỏa lực trên không và trên biển cho lực lượng giữ đảo hoặc trực tiếp tấn công chiến hạm đối phương. Điều này đã làm lộ rõ ý đồ chống lưng cho Philippines chốt giữ và tranh đoạt các đảo từ tay Trung Quốc.
Theo ANTĐ, "Đông Phương”