Tập đoàn nào nhận nhiều tiền nhất từ 'miếng bánh' ngân sách T.Ư?
> Quốc hội thông qua Nghị quyết chương trình giám sát
> Kiểm toán Nhà nước được 'sờ' mọi nơi dùng tiền quốc gia
> Tôi không phát động “Nói không với phong bì”
PVN được bố trí vốn 1.600 tỉ đồng, EVN được 238 tỉ đồng, Đường sắt Việt Nam được hơn 1.800 tỉ đồng... Đây là một phần nội dung của Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (15-11).
Nghị quyết này được thông qua với 90,96% số phiếu tán thành. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương là 519.836 tỉ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 296.164 tỉ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 681.836 tỉ đồng.
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương tập trung ưu tiên trả nợ xây dựng cơ bản và các công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2013; hạn chế tối đa khởi công dự án mới; sử dụng khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tăng nguồn cải cách tiền lương năm 2013; kiểm soát chặt chẽ các khoản giao cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức thực hiện, bảo đảm hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp, nhất là của doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm khả năng trả nợ, sử dụng vốn hiệu quả.
Trong báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày có nhắc đến một số khoản mà các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được “hỗ trợ”:
- Tập đoàn Dầu khí (PVN) được bố trí 1.600 tỉ đồng (mức được cho là “thấp hơn nhiều so với mức bố trí các năm trước”).
- Tập đoàn Điện lực (EVN) được 238 tỉ đồng để đưa điện về thôn, bản, nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo.
- Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) được 25,2 tỉ đồng nhằm “thực hiện dịch vụ viễn thông công ích”.
- Đường sắt Việt Nam 1.824,5 tỉ đồng.
- Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 17 tỉ đồng nhằm thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao, đặt hàng.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, để khắc phục tình trạng đầu tư kém hiệu quả, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội giám sát chặt chẽ các khoản kinh phí trên, trên cơ sở “bảo đảm hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí…”.
Đối với các khoản nợ của doanh nghiệp, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng mặc dù các chỉ tiêu về nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia vẫn nằm trong giới hạn an toàn cho phép, song nợ Chính phủ bảo lãnh trong kế hoạch 2013 tăng khá nhanh; nợ nước ngoài của doanh nghiệp có mức tăng lớn so với ước thực hiện năm 2012.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá về quy mô, hiệu quả của các khoản vay của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh; nợ của doanh nghiệp theo phương thức tự vay tự trả, bảo đảm tránh hệ luỵ trong trường hợp các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng không có khả năng trả nợ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ thường xuyên báo cáo Quốc hội về vấn đề nợ công.
Hiện có khoảng trên 300.000 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất ở, đất sản xuất. Đối với đề nghị phân bổ ở mức hợp lý ngân sách trung ương năm 2013 để bố trí vốn cho Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số giai đoạn 2012 - 2016 (thuộc Chương trình 134), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Đến nay chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số giai đoạn 2012 -2016 đang được các bộ, ngành thẩm định; Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt nên chưa có căn cứ để phân bổ ngân sách trung ương cho chương trình này.
Theo Anh Đào
Báo Lao Động