Thống kê được Tổng cục Hải quan công bố ngày 13/7 cho thấy, 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập gần 51.000 ô tô nguyên chiếc các loại, kim ngạch đạt hơn 1 tỷ USD. Điều này cho thấy các DN ô tô có xu hướng nhập khẩu chuyển dịch sang các dòng xe trị giá thấp, giá rẻ.
Xe Thái Lan có giá trung bình hơn 400 triệu đồng/chiếc với 19.170 xe đã nhập về. Theo giá khai báo hải quan, tính chung 6 tháng, xe Ấn Độ có giá rẻ nhất, trung bình chỉ 105 triệu đồng/chiếc. Trong khi xe nhập khẩu từ Pháp gần 1,75 tỷ đồng/chiếc, đắt nhất. Sau khi nhập vào Việt Nam cộng thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt… giá xe còn đội lên gấp 2-3 lần. “Đó cũng là lý do khiến 2 tháng gần đây không còn chiếc ô tô Pháp nào nhập vào Việt Nam”, một chủ salon ô tô cho biết.
Với lộ trình giảm thuế nhập khẩu về 0% đến năm 2018 theo ATIGA, dự báo sẽ có thêm nhiều mẫu xe trước nay được lắp ráp tại Việt Nam được chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước khác trong khu vực, chủ yếu là Thái Lan và Indonesia. Thực tế hiện nay, các hãng lớn đã chuyển từ lắp ráp tại Việt Nam sang nhập nguyên chiếc nhiều dòng xe, bao gồm: Ford Everest, Honda Civic, Mitsubishi Pajero Sport, Toyota Fortuner...
Thống kê cũng cho thấy, các dòng xe Trung Quốc hiện đang xếp ở vị trí thứ 5 tại thị trường Việt Nam với chủ yếu là dòng xe tải.
Địa phương thất thu
Anh Ph, đại diện một DN chuyên nhập khẩu dòng Kia Morning nguyên chiếc từ Hàn Quốc (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, với sự cạnh tranh của dòng xe ASEAN, các điều kiện siết chặt của Bộ Công Thương về kinh doanh ô tô có điều kiện, công ty đang phải bán cắt lỗ.
Theo anh Ph. từ đầu năm tới nay, các showroom ô tô khu vực đường Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ…đều ảm đạm, trung bình mỗi tháng chỉ bán được 2-3 xe.
Trước “cơn lốc” nhập khẩu của xe đến từ các nước ASEAN, không chỉ DN đua nhau giảm giá, bán cắt lỗ, nhiều địa phương cũng thất thu nghiêm trọng. Mới đây, ông Hoàng Văn Nội, Cục trưởng Cục Thuế Vĩnh Phúc cho biết, nửa đầu năm 2017, thu nội địa tỉnh Vĩnh Phúc mới đạt 38% kế hoạch năm bởi thất thu từ 2 DN lắp ráp xe - công ty Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam.
“6 tháng đầu năm 2017, riêng dòng Honda Civic chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu 1.200 xe, Toyota Fortuner 7.700 xe. Trong khi nếu sản xuất và lắp ráp trong nước, mỗi xe này tỉnh thu được khoảng 300 triệu đồng. Điều này ảnh hưởng lớn tới thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc”, ông Nội dẫn chứng.
Trước đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô để giảm giá thành xe, tăng thu ngân sách cho tỉnh. Để cạnh tranh lại với các xe giá rẻ đến từ ASEAN, Cty CP ô tô Hyundai Thành Công (HTC), THACO đang đẩy mạnh nội địa hóa một số mẫu xe. Hai DN này cho biết, tương lai sẽ hướng tới xuất khẩu 2 dòng xe này ra các nước trong khu vực.
Trước làn sóng nhập khẩu ô tô giá rẻ về Việt Nam tăng chóng mặt, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã đề nghị các đơn vị trực thuộc phải có giải pháp kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ, chất lượng xe, bảo vệ sản xuất trong nước, giảm mất cân đối thương mại với thị trường ASEAN...