Ông Ngô Lê Bằng sinh ra ở phường Đồng Xuân, vốn là người con của mảnh đất Hà Thành, tuy nhiên ông lại sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh từ nhiều năm trước đây. Vì vậy, nhận chức Tổng thư ký VFF cũng là dịp để ông Bằng trở lại với quê cũ, một niềm an ủi cho người vốn thường xuyên sống xa gia đình và “ở khách sạn nhiều hơn ở nhà”.
Chia sẻ với Tiền Phong ngày nhận chức, vị tân TTK VFF cho biết, điều đầu tiên ông nghĩ đến chính là câu thơ của người cha năm nào: “Gia đình một chốn bốn nơi”. Giờ đây, câu thơ ấy lại vận vào cuộc đời ông, khi bốn người trong gia đình ông lại sống ở bốn nơi khác nhau. Nhưng ông Bằng cũng cho biết, may mắn lớn nhất là ông có một người vợ luôn biết thông cảm cho chồng, nên đây sẽ là động lực để ông có thể vượt qua được những khó khăn của một người làm việc xa gia đình.
Là người mẫn cán với công việc, ông Bằng đã có nhiều buổi trao đổi công việc với các thành viên của VFF khi mới “chân ướt chân ráo” đến Hà Nội.
“Việc làm đầu tiên của tôi là tìm hiểu để biết rõ nhất những nhân viên mà mình sẽ lãnh đạo. Đó là các nhân viên khối văn phòng Liên đoàn bóng đá Việt Nam bây giờ và nhất là năng lực của họ, đặc biệt là sở trường để phát huy tốt hơn trong công việc sau này. Nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi là lãnh đạo khối văn phòng để thực hiện tốt nhất nghị quyết và các chỉ đạo từ lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam”.
Ngoài ra, ông cũng cho biết những trăn trở của mình để giúp cho nền bóng đá nước nhà phát triển tốt hơn:
“Công tác tại VFF bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó một trong những vấn đề tôi quan tâm nhất là việc đào tạo trẻ, huấn luyện viên, giảng viên bóng đá. Bởi nếu các VĐV trẻ được đào tạo bài bản, chất lượng hơn thì đó sẽ là chìa khóa để BĐVN phát triển lâu dài.
Hoạt động của BĐVN đều mang quy luật nhân quả và có sự gắn kết, kế thừa. Nếu BĐVN không làm tốt công tác đào tạo trẻ thì sẽ đến thời điểm ĐT của chúng ta gặp khó khăn.
Đội tuyển của chúng ta không gặt hái được thành công trong thời gian qua (điển hình là tại SEA Games 2011) có nguyên nhân từ công tác đào tạo trẻ chưa tốt. Như vậy rõ ràng hai vấn để này có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau”.
Tất nhiên, ngồi vào chiếc ghế Tổng thư ký VFF ở thời điểm nhạy cảm này sẽ phải đi kèm với rất nhiều sức ép. Tuy nhiên, ông Bằng cũng cho biết mình hề e không ngại thách thức và sức ép, bởi ông cho rằng đó là động lực để giúp ông hoàn thành tốt nhiệm vụ:
“Công việc nào trên đời này cũng đều có thách thức và sức ép cả. Trước khi nhận lời đề nghị của PCT Lê Hùng Dũng cách đây 2 tháng là tôi đã xác định rõ tư tưởng, trách nhiệm và sẵn sàng chấp nhận thách thức đó. Nếu nhận được sự ủng hộ của người hâm mộ, tôi tin mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ”.
Cải thiện quan hệ giữa VFF và người hâm mộ
Bên cạnh đó, ông Bằng cũng bày tỏ mong muốn cải thiện mối quan hệ của VFF với người hâm mộ, khi mà niềm tin của khán giả nước nhà dành cho VFF đang phần nào bị suy giảm:
“Cá nhân tôi cũng mong muốn giữa VFF và người hâm mộ có mối quan hệ gần gũi, chia sẻ và đồng cảm. VFF luôn lắng nghe những góp ý chân thành của người hâm mộ, để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp hơn. VFF và người hâm mộ có một điểm chung là cùng muốn bóng đá nước nhà phát triển”.
Để cải thiện mối quan hệ này, ông Bằng cũng không ngần ngại bày tỏ những quan đểm của riêng mình với giới truyền thông, một vị trí mà ông coi là “hàng tiền đạo” của bóng đá Việt Nam:
“Quan điểm cá nhân của tôi với giới truyền thông là cởi mở. Một mặt thì VFF sẵn sàng chia sẻ thông tin với truyền thông để NHM hiểu rõ hơn các hoạt động của VFF. Ở kênh ngược lại, thông qua báo giới, VFF sẵn sàng lắng nghe những ý kiến của NHM để bóng đá Việt Nam phát triển. Giới truyền thông với NHM là hàng tiền đạo trong đội hình mẫu mà AFC đưa ra. Muốn ghi bàn, giành chiến thắng thì hàng tiền đạo phải mạnh. Tôi nghĩ, sự hiểu biết và chia sẻ chính là chìa khóa để có được sự hợp tác vì tương lai của bóng đá Việt Nam”.
Theo tiết lộ của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, mức lương hiện nay của Tổng thư ký VFF là 13triệu/tháng. Và sẽ nâng lên 25triệu/tháng từ tháng 3 tới. Rõ ràng, so với mức lương dự kiến 200triệu/tháng dành cho HLV nội của ĐTVN thì đây là một con số chênh lệch. Nhưng ông Bằng cho rằng, cả hai mức lương đó đều hợp lý:
“Lương tháng dự kiến của Tổng thư ký VFF là 25 triệu đồng. Lương Tổng thư ký ở nhiều Liên đoàn bóng đá các nước khác có khi tỷ lệ còn thấp hơn, có sự chênh lệnh lớn hơn. Đôi khi, sự so sánh rất khập khiễng. Ví dụ như lương của Tổng thư ký Lào chắc gì đã cao hơn ông Alfred Riedl, lương của một cầu thủ hoàn toàn có thể cao gấp nhiều lần lương của ông HLV trưởng”.
Chọn HLV phải phù hợp
Ngoài ra, ông Bằng cũng bày tỏ những suy nghĩ của riêng mình về việc lựa chọn HLV nội cho ĐTVN:
“Theo quan điểm cá nhân của tôi thì sự phù hợp của HLV đối với BĐVN lúc này không bắt nguồn là HLV nội hay ngoại. HLV mà BĐVN cần phải tìm kiếm lúc này là phải tạo được một lối chơi phù hợp nhất, phát huy được những điểm mạnh của cầu thủ Việt Nam. Tuy nhiên, vì để phục vụ những nhiệm vụ trước mắt, thì các HLV nội lại đáp ứng được những tiêu chí mà chúng ta đưa ra. Vấn đề là phải tìm được HLV đáp ứng được tiêu chí, nhưng cũng phải dành sự tin tưởng, tạo ra một quỹ thời gian đủ dài để HLV thực hiện mục tiêu mà BĐVN đưa ra.
Cả 4 HLV gồm Mai Đức Chung, Phan Thanh Hùng, Nguyễn Hữu Thắng, Lê Huỳnh Đức, tôi đều từng làm việc cùng và mỗi người có một ưu điểm vượt trội khác nhau. Thật khó để so sánh bởi những ưu điểm đều rất cần thiết. Mai Đức Chung rất biết cách thu phục lòng người, Lê Huỳnh Đức rất nguyên tắc, Nguyễn Hữu Thắng rất có uy, Phan Thanh Hùng là một trong những HLV tỏ ra rất đúng đắn trong lựa chọn lối chơi và tạo ra bản sắc rất riêng. Nếu phát huy tối đa thế mạnh của mình, đây đều là những gương mặt sáng giá và xứng đáng dẫn dắt ĐTVN”.
Là người không ngại sức ép và có niềm tin mạnh mẽ vào năng lực của bản thân, song ông Bằng cũng cho thấy mình không ngại đón nhận thất bại với tinh thần trách nhiệm cao:
“Tỷ lệ thành công và thất bại ở trong một công việc, giống như một trận đấu, là 50/50 và không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra. Nhưng tôi có niềm tin là những gì tôi đóng góp sẽ hữu ích cho bóng đá Việt Nam. Tôi sẽ cố gắng thực hiện công việc này với một tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Đồng thời, nếu có thất bại của cá nhân thì tôi coi đó là bài học quý báu cho riêng mình. Trong một hoàn cảnh nào đó, nếu phải rời bỏ cương vị mà tốt hơn cho bóng đá Việt Nam thì tôi sẽ tự nguyện”.