Tận thấy nông dân thu hoạch tôm - lúa thuận thiên lúc rạng sáng

TPO - Khu vực ngoài đê bao ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đang phát triển mô hình tôm - lúa thuận thiện mang đến nhiều đổi thay cho bà con nông dân. Thời điểm này, người dân thu hoạch tôm để chuyển sang xuống giống lúa Đông Xuân.

Thu hoạch tôm càng xanh vùng lúa - tôm Hậu Giang.

Những vuông tôm được rút cạn nước trong đêm để thu hoạch vào rạng sáng.

Khoảng 4h sáng, đội thu hoạch tôm gần 20 người bắt đầu công việc, mỗi người đều mang theo đèn soi trên đầu để bắt tôm lúc trời còn chưa sáng.

Tóm gọn những chú tôm càng xanh khá đơn giản.

Công việc kéo dài vài tiếng đồng hồ, cho đến lúc trời sáng, nắng lên.
Tôm ở đây được nuôi theo hình thức quảng canh, theo hướng thuận thiên, với các loại tôm thẻ, tôm sú, tôm càng xanh. Tôm nuôi từ 3-5 tháng là có thể cho thu hoạch, lợi nhuận hơn nhiều lần trồng lúa.
Mỗi thành viên tham gia bắt tôm được trả công khoảng 300.000 đồng cho mỗi lần thu hoạch.
Khi lên bãi tập kết, tôm được rửa, phân loại để đem cân, đưa đi tiêu thụ. Tôm loại 1 được thu mua với giá 145.000 đồng/kg. Chi phí thấp do thức ăn của tôm chủ yếu tự nhiên nên người dân đạt lợi nhuận trung bình 10-15 triệu đồng/ha, gấp 2-3 lần so với trồng lúa.
Nhiều hộ dân nuôi tôm nên không sản xuất lúa Hè Thu, Thu Đông, chỉ làm 1 vụ Đông Xuân vào thời điểm mùa khô. Việc nuôi tôm cũng giảm được chi phí trong khâu làm đất, phân, thuốc trong vụ lúa sau đó.
Nhiều hộ dân nuôi tôm nên không sản xuất lúa Hè Thu, Thu Đông, chỉ làm 1 vụ Đông Xuân vào thời điểm mùa khô. Việc nuôi tôm cũng giảm được chi phí trong khâu làm đất, phân, thuốc trong vụ lúa sau đó. Những ngày tới, những vuông tôm này sẽ là cánh đồng lúa Đông Xuân. Hơn 3 tháng sau, khi đã thu hoạch lúa, người dân sẽ cho nước mặn vào để "xử lý" gốc rạ... rồi canh nồng độ mặn phù hợp để bắt đầu vụ tôm mới.

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa - cho biết, thay vì chỉ sản xuất lúa kém hiệu quả, mô hình tôm - lúa quảng canh thuận thiên đã mang lại thu nhập tốt hơn cho bà con nông dân. Hiện toàn xã có khoảng 170 hộ tham gia mô hình với diện tích gần 160ha, tăng gần 50ha so với năm trước. Mô hình đang giúp cho bà con thay đổi cuộc sống, sản xuất theo hướng hữu cơ, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tới đây, địa phương sẽ tiếp tục vận động bà con nhân rộng mô hình.