Tận thấy các loài động thực vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ
TPO - Được thành lập từ năm 1996, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) được bao phủ bởi rừng kín với nhiều loại cây cho gỗ có tên trong Sách đỏ Việt Nam cùng nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Bẫy ảnh ghi lại các loài động vật ở Khu BTTN Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh).
Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kẻ Gỗ nằm ở phía nam tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 15km, thuộc khu vực phía đông dãy Trường Sơn Bắc. Khu BTTN Kẻ Gỗ có tổng diện tích hơn 44.000 ha và trải dài qua 3 huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê, Kỳ Anh.
Ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chiếm phần lớn, nơi đây còn có hàng nghìn ha diện tích mặt nước và đất lâm nghiệp xen lấn.
Khu BTTN Kẻ Gỗ được bao phủ bởi rừng kín với nhiều loại cây cho gỗ có tên trong sách đỏ Việt Nam như lim xanh, sến mật, gụ, lau, vàng tâm, trầm hương, song mật, lát hoa, côm bạch mã, chùm bao Trung Bộ, bời lời vàng... Đây là khu hệ thực vật phong phú đặc trưng cho nhiều luồng thực vật của khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam - Nam Trung Hoa, luồng thực vật Indonesia - Malaysia và luồng thực vật Hymalaya.
Đến nay trong phạm vi Khu BTTN Kẻ Gỗ đã ghi nhận 80 loài Thú, 298 loài Chim, 63 loài Bò sát và 33 loài Lưỡng cư, Côn trùng có 302 loài và Cá có 35 loài. Trong ảnh là Cheo cheo được bẫy ảnh ghi lại trong Khu BTTN Kẻ Gỗ.
Danh mục các loài thú ở Khu BTTN Kẻ Gỗ đã được xây dựng gồm 76 loài thuộc 27 họ, 9 bộ. Trong đó, có 68 loài đã được ghi nhận khẳng định, 8 loài ghi nhận chưa đủ chắc chắn. Trong tổng số 76 loài thú ghi nhận được có đến 17 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới như chồn dơi, cu li lớn, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ mốc, voọc vá, vượn má hung… Trong ảnh là một cá thể chồn vàng được bẫy ảnh ghi nhận.
Nai trong Khu BTNT Kẻ Gỗ.
Tại Khu BTTN Kẻ Gỗ đã ghi nhận được 23 loài chim có nguy cơ tuyệt chủng thuộc 13 họ và 9 bộ. Động vật trong khu bảo tồn phân bố không tập trung, thường gặp phân tán ở một số vùng nhất định. Các loài thú chủ yếu phân bố vùng cao, xa trong rừng tự nhiên, gần nguồn nước.
Các cá thể voọc Hà Tĩnh từng được tái thả và ghi nhận ở Khu BTTN Kẻ Gỗ.
Nơi đây có các hệ sinh thái thực vật vô cùng đa dạng, phong phú. Rừng Kẻ Gỗ là xứ sở của nhiều loại hoa rừng rất đẹp như: hoa mộc lan, quế hương, tai tượng, tai trâu, nghinh xuân, phượng vĩ…
Theo lãnh đạo Khu BTTN Kẻ Gỗ, do diện tích rộng, người dân còn có tình trạng săn bắn, đặt bẫy động vật trái phép trong rừng nên việc tuần tra, kiểm soát và bảo vệ sự đa dạng sinh học của đơn vị diễn ra thường xuyên, kỹ càng.
Tình trạng đặt bẫy động vật vẫn còn diễn ra, nhất là vào mùa mưa.