Trong dòng nhạc dân gian, Anh Thơ đã mạnh dạn đi đầu trong việc rẽ sang hát nhạc xưa, rồi bolero. Còn Tân Nhàn bắt đầu có thể nói với một chút ảnh hưởng Anh Thơ thì sắp tới có ý định rẽ ngang tương tự?
Tôi chưa bao giờ ảnh hưởng Anh Thơ. Trước đây tôi hâm mộ giọng hát của chị và tôi có con đường đi riêng. Tôi muốn nói tất cả mọi dòng nhạc đều có giá trị và chỗ đứng riêng trong lòng khán giả. Nhàn tự cảm thấy giọng hát của mình không phù hợp với bolero. Dù trong khoảnh khắc nào đấy Nhàn nghe cảm thấy rất mùi, rất tuyệt vời, nhưng để hỏi có rẽ sang không chắc chắn không bao giờ vì không phải cứ ca sĩ thì có thể hát mọi thứ. Ngoài đam mê dòng nhạc âm hưởng dân gian, tôi còn muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ theo đuổi và nối dài sức sống cho dòng nhạc này.
Thực hư việc đĩa của Tân Nhàn và Thu Hà chưa ra đã có người mua hết?
Khi tôi đi diễn, mọi người hay hỏi sắp có sản phẩm mới chưa: “Công ty anh đặt trước 500, 1.000 hay 1.500”. Họ xin số tài khoản, chuyển tiền trước cho tôi và Thu Hà. Bán ra ngoài là 300 nghìn, doanh nghiệp 250 nghìn. Phải giao hết đĩa cho doanh nghiệp sau đó mới in tiếp.
Kinh phí hai bạn bỏ ra để thực hiện sản phẩm này?
Mức đầu tư thì rất khiêm tốn thôi vì cả hai lấy tiêu chí mang giọng hát cống hiến khán giả là chính. Tất nhiên hình ảnh không thể úi xùi được nhưng cũng không thể đầu tư khủng như ca sĩ dòng nhạc khác. Tân Nhàn, Thu Hà đều là viên chức nhà nước nghèo lắm ạ. Nếu có tiền bọn tôi cũng quay cảnh đẹp quê hương đất nước bằng máy bay đấy, nhưng sự đầu tư đấy quá sức.
Tân Nhàn có tiếng nhiều show, thu nhập khủng thì phải?
Nhiều show thì đúng nhưng thu nhập thì nói thật là cũng không khủng đâu nếu so với các phong cách âm nhạc khác. Nhạc nhẹ diễn một tối 6-7 nghìn đô là ít nhất. Bọn tôi chỉ vài chục triệu sao gọi là khủng được.
Cat-xê cao nhất bạn nhận được trước nay?
15.000 đô. Hát cho lễ mừng thọ của một bác năm nay 80 tuổi, bác yêu quý tôi nên con trai bác mời tôi bằng được.
Có một kỷ niệm đặc biệt, 12h đêm, một chị MC gọi điện mời vào Bệnh viện Bạch Mai hát cho một cụ sắp chết. Chả là chương trình Sao Mai ngày trở về kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia diễn ra mấy tháng trước, bác ấy đã mua vé rồi nhưng ốm vào viện, không thể đi xem được và lúc ấy bác đang nằm chờ chết. Trước lúc hôn mê nói muốn nghe Tân Nhàn. Tôi sợ quá, không vào được dù MC nài nỉ. Tôi sợ chứ không phải sang chảnh gì cả.
Giờ bạn có tiếc vì không nhận lời mời hi hữu đó?
Tôi hơi áy náy không đáp ứng được tâm nguyện của người ta vì sự sợ hãi của mình. Bốn năm trước tôi được một nam nghệ sĩ nổi tiếng mời vào Sài Gòn hát tại tư gia. Đến nơi thấy mọi người chít khăn tang bên ngoài. Dù không thấy quan tài hay khóc lóc gì nhưng vẫn cảm thấy người mình run rẩy. Hát trong sảnh của cái nhà rất là to. Tôi bảo anh đồng nghiệp: “Anh lên hát đi, em sợ lắm!”. “Thôi được rồi, anh sẽ hát 4 bài, Nhàn hát 2 bài”. Tôi hát Khúc hát sông quê và Đất nước tình yêu xong lên xe về luôn, không dám cả hỏi thăm gia chủ. Hai kỷ niệm đấy là tôi hú hồn. Bây giờ ai gọi tôi phải hỏi đầu tiên là hát chương trình gì, sau đó mới hỏi ở đâu.
Hai vợ chồng cùng đoạt giải Nhất Sao Mai nhưng giờ đây sự nghiệp của Tân Nhàn có vẻ phát hơn chồng. Bạn có ngại khiến anh nhà chạnh lòng?
Không, cái này tùy vào tính cách của mỗi người. Tôi thích hướng ngoại, thích đặt cho mình những mục tiêu. Từ khi chưa lấy chồng, tôi đã có kế hoạch tốt nghiệp ĐH rồi làm Thạc sĩ, Tiến sĩ. Và tôi cứ lần lượt hiện thực hóa. Còn chồng tôi đơn giản chỉ muốn là người thầy. Hết tiền thì anh ở nhà ăn cơm với muối chứ không có nhu cầu đi hát hay kiếm tiền. Cách sống ấy phù hợp với tính cách chứ không phải anh tự kỷ hay mặc cảm.
Bạn nghĩ sao về quan điểm sống của chồng?
Tôi tôn trọng. Mỗi người một suy nghĩ, định hướng riêng. Mình không thể ép anh ấy cũng như anh ấy không thể ép tôi chỉ đi dạy học hoặc ở nhà. Trong hôn nhân, người ta vẫn được là mình thì hạnh phúc mới duy trì được.
Có hay không chuyện ai kiếm được nhiều tiền hơn sẽ có tiếng nói quyết định trong gia đình?
Chồng tôi khái tính lắm, ngay từ khi còn yêu nhau anh ấy chở tôi đi trên cái xe máy của anh ấy mà anh vẫn đùa là “xe ghẻ” nhưng anh ấy rất tự trọng không bao giờ để tôi bắt nạt. Vì từ lúc đó tôi đã đi hát, có nhiều tiền hơn anh. Nói chung trong nhà tôi rất sợ động chạm những vấn đề liên quan đến tiền, thỉnh thoảng tôi có tự động đưa tiền vào ví của chồng thì đưa thôi.
Tôi muốn nói tất cả mọi dòng nhạc đều có giá trị và chỗ đứng riêng trong lòng khán giả. Nhàn tự cảm thấy giọng hát của mình không phù hợp với bolero. Dù trong khoảnh khắc nào đấy Nhàn nghe cảm thấy rất mùi, rất tuyệt vời, nhưng để hỏi có rẽ sang không chắc chắn không bao giờ vì không phải cứ ca sĩ thì có thể hát mọi thứ. Ngoài đam mê dòng nhạc âm hưởng dân gian, tôi còn muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ theo đuổi và nối dài sức sống cho dòng nhạc này.
Ca sĩ Tân Nhàn