Tại sao cần khám chuyên khoa mắt định kỳ sau 40 tuổi để tầm soát bệnh Glôcôm

Năm 2020 trên toàn thế giới có khoảng 76 triệu người bị bệnh Glôcôm, trong đó 4,5 triệu người bị mù chiếm khoảng 6% dân số thế giới. Ước tính đến năm 2040 số người bị bệnh sẽ tăng lên 111,8 triệu người . Nguy hiểm hơn là do sự tiến triển âm thầm trong giai đoạn sớm của bệnh glôcôm góc mở , khoảng 50% bệnh nhân ở những nước phát triển và 90% bệnh nhân ở những nước đang phát triển không biết mình bị mắc bệnh.

Glôcôm là bệnh lý tiến triển âm thầm với những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến thị lực

Sự nguy hiểm của căn bệnh về mắt không triệu chứng

Hầu hết các trường hợp glôcôm góc mở tiến triển thầm lặng, nhiều người không nhận ra họ bị bệnh Glôcôm cho tới khi đi khám mắt định kỳ. Nhiều trường hợp, bệnh nhân thường chỉ đi khám khi đã suy giảm chức năng thị giác, thị lực rất thấp đồng nghĩa với việc bệnh đã ở giai đoạn nặng, nguy cơ mù lòa cao và việc điều trị chỉ giới hạn ở việc bảo tồn phần thị lực còn lại.

Khám chuyên khoa mắt định kỳ để kịp thời phát hiện và chữa bệnh

Bệnh Glôcôm gây nhiều biến chứng cao hơn đối với những người sau 40 tuổi – độ tuổi cơ thể lão hóa nhanh, hàng rào miễn dịch và sức đề kháng không còn tốt như trước. Việc khám mắt chuyên khoa định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh, điều trị kịp thời tránh nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn.

● Người trước 40 tuổi nên đi khám mắt định kỳ 2-4 năm/lần

● Người từ 40-60 tuổi: mỗi 2 -3 năm/lần

● Người sau 60 tuổi: 1-2 năm/lần

● Người sau 65 tuổi: khám mắt định kỳ 6-12 tháng/lần

● Người có tiền sử gia đình mắc Glôcôm: khám mắt định kỳ 6 tháng/lần

Đặc biệt giai đoạn đầu của bệnh Glôcôm góc mở không có biểu hiện rõ ràng nên người bệnh thường không biết và không đi khám. Bệnh Glôcôm góc mở tiến triển âm thầm không triệu chứng và đến lúc có người bệnh bị giảm thị lực thì những những tổn thương này không có khả năng hồi phục và có thể gây mù lòa vĩnh viễn cho bệnh nhân. Ngược lại Glôcôm góc đóng ngay từ đầu đã những cơn glôcôm cấp gây triệu chứng rầm rộ:

- Đau nhức mắt đột ngột; nhức xung quanh hố mắt, đôi khi nhức lan lên nửa đầu cùng bên. Đau mắt cũng có thể khởi phát một cách từ từ, âm ỉ

● Mắt đỏ

● Nhãn cầu căng cứng

● Thị lực giảm nhiều, mắt nhìn mờ thoáng qua, cảm giác nhìn mờ như nhìn qua màn sương, nhìn thấy những quầng màu như hào quang, sợ ánh sáng

● Suy giảm tầm nhìn ngoại vi, lâu dần có thể xuất hiện triệu chứng “tầm nhìn đường hầm”, tức là như nhìn xuyên qua một đường hầm

● Dấu hiệu toàn thân có thể gặp: buồn nôn hoặc nôn,…

Ở mỗi lần khám, bệnh nhân sẽ được kiểm tra thị lực, nhãn áp (áp lực nội nhãn), khám đáy mắt kiểm tra tình trạng đầu thần kinh thị giác, nếu nghi ngờ thì có thể có các khám nghiệm chuyên sâu (đo thị trường, chụp cắt lớp đĩa thị giác và võng mạc trung tâm…) để phát hiện bệnh Glôcôm và các bệnh lý khác (nếu có).

Đồng thời khi phát hiện bệnh Glôcôm sẽ được các bác sĩ nhãn khoa điều trị thành công và kịp thời để bảo vệ thị lực cho đôi mắt của bạn và giảm nguy cơ mù lòa về sau.