Theo nhiều chuyên gia kinh tế dự hội thảo, kinh tế Việt Nam trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn kéo dài từ năm 2008 đã có những tín hiệu ấm dần. Kinh tế vĩ mô được ổn định; tái cơ cấu đầu tư đã khắc phục được cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải trong nhiều năm qua; Hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng từng bước ổn định, nguy cơ đổ vỡ được đẩy lùi…Các chuyên gia dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 5,3%. 9 tháng đầu năm 2013, động thái chính sách quyết liệt, cụ thể hơn, xuất khẩu tăng khá, FDI và giải ngân ODA đạt khá, thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định…, do đó, kinh tế đang “ấm lên từ đáy”.
Các chuyên gia cho rằng, diễn biến kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động kinh doanh ngân hàng và ngược lại. Đặc biệt, trong nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, tổ chức tín dụng là kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế.
Trong đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng mà Chính phủ thông qua, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tập trung hỗ trợ thanh khoản, thực hiện mua bán, sáp nhập nhiều ngân hàng yếu kém. Mục tiêu đến năm 2014 là hoàn thành căn bản xử lý nợ xấu.
Sau hàng loạt các hoạt động tích cực can thiệp vào hệ thống ngân hàng thương mại, đến nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng thương mại cơ bản được đảm bảo, lãi suất liên ngân hàng duy trì ổn định… Tổng nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 7 tháng đầu năm 2013 là 86,3 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấu còn nhiều thách thức, bởi tỷ lệ nợ xấu còn cao. Theo các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 7 là 4,58%, tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp và tăng 0,28% so với đầu năm.
Quy mô nợ xấu của toàn hệ thống đòi hỏi nguồn lực lớn để xử lý; sở hữu chéo còn phức tạp…Theo ông Simon Andrews, Giám đốc IFC khu vực Việt Nam, vấn đề nợ xấu cao hay thấp còn phụ thuộc vào định nghĩa và phân loại.
Tuy nhiên, đã là nợ xấu thì phải xử lý bởi ngân hàng làm nhiệm vụ cho vay chứ không phải quản lý nợ xấu, như thế cũng để đảm bảo sức khỏe của kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế. Xử lý nợ xấu ở Việt Nam còn gặp nhiều thách thức, bởi các rào cản về sở hữu tài sản thế chấp….