Tái cấu trúc phải quyết liệt

TP - “Để tái cấu trúc thành công, phải làm quyết liệt, đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Còn nếu vẫn trì trệ như trước đây sẽ thất bại” - Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm.
Nếu trì trệ như trước, tái cấu trúc kinh tế sẽ thất bại

> Tái cơ cấu thế nào?

Nếu trì trệ như trước, tái cấu trúc kinh tế sẽ thất bại.
 

Vừa qua, có kiến cho rằng cần thành lập một ủy ban về tái cấu trúc nền kinh tế, quan điểm của ông là gì ?

Quan trọng nhất, không phải có một ủy ban, mà môi trường pháp lý thế nào và phải có kỷ cương, kỷ luật điều hành. Cần đánh giá đúng thực trạng nền kinh tế, vừa qua mỗi anh đánh giá một kiểu. Nếu đã không thống nhất trong đánh giá, các giải pháp đưa ra sẽ khập khiễng, sự phối hợp sẽ vênh, hoặc không làm được.

Việc thành lập một ủy ban về tái cấu trúc kinh tế (như có ý kiến đề nghị), phải có nội dung. Có ý kiến, đánh giá của Chính phủ và thực tiễn rất khác nhau, thực tiễn gay gắt hơn. Chúng ta phải có bức tranh chân thực, chính xác, trên cơ sở đó mới có giải pháp phù hợp, mới có lộ trình hợp lý, để tạo đồng thuận cao.

Nếu không siết kỷ luật hành chính, tái cấu trúc khó đạt mục tiêu đề ra. Nên chăng có một luật hay một văn bản có tính chất pháp lý cao?

Chính phủ đã kiểm điểm rồi, phải lập lại kỷ cương trong điều hành, chấp hành. Tất cả những mắc mớ, gây tổn hại, rủi ro vừa qua là do chấp hành không nghiêm, kỷ cương không tốt, người làm được cũng như không làm được, người đáng khen không khen, đáng kỷ luật không kỷ luật, từ đó dẫn tới mất lòng tin, mất động lực.

Bây giờ chỉ cần siết lại kỷ luật, kỷ cương đã có chứ chưa cần luật, chưa cần một mô hình tổ chức cồng kềnh. Các nước người ta thống nhất cao vì có kỷ cương, ai vi phạm xử lý ngay. Nhưng mình không ai nghe ai, 63 tỉnh là 63 vương quốc.

Tái cấu trúc nền kinh tế ít nhất được đặt ra từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chỉ là chủ trương, thưa ông?

Dứt khoát chúng ta phải làm, không thể để chậm nữa, nhưng cũng không có nghĩa là làm vội vã mà không có chuẩn bị. Trước hết, phải đánh giá được thực trạng, phân tích điểm mạnh, yếu, có giải pháp, cái gì làm trước, cái gì làm sau.

Nếu lần này chúng ta làm được, làm nghiêm: Thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế (trước hết tập trung đột phá 3 trọng tâm), Chính phủ là cơ quan kiến tạo phát triển, chống tư duy nhiệm kỳ, cục bộ lợi ích … thì mới thành bước ngoặt lớn, là đổi mới lần hai. Ngược lại, chúng ta sẽ mất lòng tin, sẽ trì trệ hơn.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM):

QH nên có nghị quyết về tái cấu trúc

“Bộ KHĐT là cơ quan tổng tham mưu về kinh tế cho Chính phủ cần phát phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng đề án chung về tái cấu trúc, không nhất thiết phải lập một cơ quan riêng. Nhưng trong 5 năm tới (chủ trương tập trung tái cấu trúc đầu tư công, thị trường tài chính - ngân hàng, các tập đoàn tổng Cty), để tập trung chỉ đạo, điều hành thống nhất thì cần có cơ quan mang tính chỉ đạo, chuyên trách.

Hiện nay, chỉ tái cấu trúc Vinashin thôi mà cần một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo. Vậy thì khi chúng ta tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty ít ra cũng phải có bộ máy tương đương để làm, các lĩnh vực khác cũng phải như vậy.

Kỳ họp này, QH nên có nghị quyết đưa ra một số đầu bài, như sửa các luật liên quan đến thuế, đầu tư để có tác động, định hướng thị trường trong tái cấu trúc”.

Nguyễn Tuấn (thực hiện)

Theo Báo giấy