Cùng với điểm trường Tiểu học Hoàng Diệu, điểm trường Mầm non Phiêng Khàng – Trường mầm non Phiêng Pằn và 8 căn nhà cũng sẽ được Syngenta trao tặng trong tháng 1/2025 tại các tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk, Sơn La, Lào Cai với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Cũng trong dịp này, Syngenta trao tặng 600 chiếc áo khoác, 100 phần quà là cặp sách, dụng cụ học tập cho các em học sinh, 250 phần quà tết cho nông dân có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương với tổng trị giá hơn 250 triệu đồng.
Những “mái ấm” vững chãi đón năm mới
Nằm cách trung tâm huyện Krông Pắc hơn 30km, điểm trường Tiểu học Hoàng Diệu có phần lớn học sinh là con em dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì vậy, điểm trường mới khang trang, kiên cố với chi phí xây dựng 300 triệu đồng thay cho phòng học cũ lợp bằng mái tôn tạm bợ, là niềm vui lớn của thầy cô, học sinh và người dân nơi đây.
Chia sẻ về điểm trường mới, cô Hồ Thị Nhàn – Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Diệu cho biết: “Không chỉ giúp các em học sinh có điều kiện học tập trong phòng học mới, thông thoáng, sạch đẹp, đầy đủ trang thiết bị, điểm trường mới còn là nguồn động viên để thầy cô giáo tiếp tục gắn bó với trường lớp, yên tâm giảng dạy, từ đó góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương”.
Cũng trong tháng 1/2025, điểm trường Mầm non Phiêng Pằn tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La do Syngenta tài trợ sẽ hoàn thiện, sẵn sàng chào đón các em nhỏ và thầy cô bước vào học kỳ mới của năm học 2024-2025.
Bên cạnh 2 điểm trường, 8 căn nhà mới cũng được Syngenta trao cho 08 hộ nông dân nghèo tại các tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk, Sơn La, Lào Cai. Đây sẽ là món quà Tết ý nghĩa để bà con đón năm mới, an cư, lạc nghiệp.
Là một trong những nông dân nhận nhà mới lần này, anh Lục Văn Minh (Nông dân tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pak, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Có được ngôi nhà kiên cố là ước mơ mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến. Vì mình còn chưa đủ ăn đủ mặc, con cái còn học hành, thì làm sao có số tiền lớn để xây nhà. May nhờ có chương trình của Syngenta, tôi có căn nhà ấm cúng, không còn lo mưa lo nắng như trước đây”.
Tiếp nối truyền thống sẻ chia của công ty, trong dịp này, toàn bộ nhân viên tại Syngenta cũng đóng góp để trao tặng 600 chiếc áo khoác cho học sinh và 250 phần quà tết cho nông dân có hoàn cảnh khó khăn, trong đó, tại Đắk Lắk, công ty sẽ trao 400 áo khoác và 50 phần quà.
Lan tỏa giá trị tích cực và bền vững đến cộng đồng
Chuỗi hoạt động trên nằm trong khuôn khổ chương trình “Mái ấm Syngenta”, được Syngenta Việt Nam khởi xướng năm 2010 nhằm mang lại mái ấm đúng nghĩa cho các hộ nông dân nghèo tại Việt Nam. Mỗi năm, Syngenta sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để chọn ra các hộ nông dân phù hợp với tiêu chí của chương trình như: hộ nông dân thuộc diện nghèo theo danh sách của địa phương, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có ý chí nghị lực và quyết tâm để vươn lên thoát nghèo.
Cho đến nay, đã có 170 mái ấm được trao tặng các hộ nông dân nghèo tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, giúp bà con đạt được mơ ước an cư, lạc nghiệp.
Mở rộng và phát huy giá trị bền vững từ chương trình, năm nay là năm đầu tiên Syngenta tài trợ xây dựng các điểm trường mới, để không chỉ một gia đình, mà sẽ có rất nhiều thế hệ học sinh và thầy cô giáo nhận được những giá trị từ “mái ấm”.
Chia sẻ về hoạt động này, ông Trần Thanh Vũ - Tổng Giám đốc Công ty Syngenta Việt Nam cho biết: “Chúng tôi tin rằng mỗi điểm trường khang trang hay mỗi mái nhà vững chắc không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống hay học tập, mà còn là điểm tựa để các thế hệ học sinh, bà con nông dân hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Đó cũng là động lực để chúng tôi duy trì và ngày càng mở rộng chương trình trong 14 năm qua.Trong hiện tại và cả tương lai, công ty sẽ nỗ lực nhiều hơn để cùng cộng đồng lan tỏa yêu thương, thắp lên niềm tin, hy vọng cho trẻ em và nông dân Việt Nam”.
Bên cạnh chương trình “Mái ấm Syngenta”, Syngenta còn có nhiều hoạt động hỗ trợ toàn diện và bền vững cho người nông dân như truyền đạt kiến thức nông học và tiến bộ công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi cây trồng… để giúp nông dân nâng cao năng suất và cải thiện mức thu nhập.
Điển hình, tại Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, bên cạnh việc mang đến các giải pháp tiên tiến nhất về nông dược trên các cây trồng chủ lực tại Tây Nguyên như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu…, giúp nông dân quản lý sâu bệnh hại hiệu quả, cải tiến kỹ thuật canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất, Syngenta còn có các hoạt động tập huấn hướng dẫn nông dân canh tác nông nghiệp an toàn, có trách nhiệm với bản thân và môi trường…
Công ty cũng tích cực hợp tác với các đối tác trong chuỗi giá trị để triển khai các dự án canh tác nông nghiệp bền vững trên cây trồng như cà phê, khoai tây, vừa giúp bảo vệ tài nguyên đất và thúc đẩy đa dạng sinh học, vừa nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần gia tăng thu nhập cho nông dân.
Cũng tại Tây Nguyên, hoạt động sản xuất hạt giống ngô từ Syngenta đã mang đến cho nông dân địa phương thêm lựa chọn để chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao và bền vững hơn so với trước đây. Khi tham gia mô hình, ngoài việc được cung cấp giống bố mẹ, tạm ứng một phần vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra, nông dân còn được hướng dẫn chi tiết quy trình canh tác theo từng giai đoạn sinh trưởng, để đạt hiệu quả canh tác tốt nhất.