Bước đi này có thể bảo vệ tiền gửi của khách hàng mà không cần dùng đến tiền thuế của người dân.
Ngân hàng Trung ương Anh khẳng định, hệ thống ngân hàng của Anh vẫn ổn định, an toàn và hoạt động tốt.
“Điều này giúp các khoản tiền gửi của khách hàng được bảo vệ và họ có thể giao dịch như bình thường mà không cần hỗ trợ bằng tiền thuế của người dân. Tôi hài lòng với việc tìm ra một giải pháp trong thời gian ngắn như vậy”, ông Hunt nhấn mạnh trong tuyên bố đưa ra ngày 13/3.
“HSBC là ngân hàng lớn nhất châu Âu, và các khách hàng của SVB tại Anh sẽ được bảo đảm bởi sức mạnh, sự an toàn mà hệ thống của họ mang lại”, ông Hunt khẳng định.
Sự sụp đổ đột ngột của SVB, một ngân hàng chuyên tập trung vào các công ty khởi nghiệp, trở thành cú sụp đổ ngân hàng lớn nhất của Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Sự kiện này đe dọa sẽ gây tác động nặng nề lên các công ty công nghệ Anh, vì SVB đóng vai trò quan trọng trong cung cấp tín dụng cho nhiều khách hàng. Hơn 250 lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ Anh đã lên tiếng cảnh báo rằng, sự sụp đổ của SVB có thể trở thành “mối đe dọa tồn vong” của toàn ngành.
Việc SVB tại Anh được bán cho HSBC sẽ giúp bảo vệ tổng số 6,7 tỷ bảng (8,1 tỷ USD) tiền gửi của khách hàng. HSBC cho biết sẽ mua chi nhánh ngân hàng này với giá 1 bảng.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng Mỹ cũng nỗ lực suốt cuối tuần qua để tìm người mua SVB, nhưng có vẻ đã thất bại. Tuy nhiên, giới chức Mỹ khẳng định, tất cả các khoản tiền gửi tại ngân hàng này sẽ được bảo vệ, và người gửi sẽ nhanh chóng tiếp cận được tiền của họ.
Bảo đảm được đưa ra trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại về nguy cơ khủng hoảng lan rộng.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Signature Bank tại New York vừa nối gót SVB. Với tài sản hơn 110 tỷ USD, Signature Bank trở thành cú sụp đổ ngân hàng lớn thứ ba trong lịch sử Mỹ.