Sửa luật hải quan “thúc” xuất nhập khẩu

TP - Ngày 16/4, Bộ Tài chính, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo luật Hải quan (HQ) sửa đổi. Trong dự thảo luật, rất nhiều nội dung tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa đã được quy định.

> Hải quan Hà Nội xử lý vướng trong thủ tục hải quan điện tử

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết việc nghiên cứu sửa đổi Luật Hải quan xuất phát từ các lý do sau: Hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập quốc tế đã trở thành tất yếu.

Luật Hải quan hiện hành phải được sửa đổi để nội luật hóa các chuẩn mực Hải quan Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập như Công ước Kyoto, Hiệp định GMS, Hiệp định về việc thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, Hiệp định hợp tác hải quan ASEAN và đang tham gia đàm phán các Hiệp định: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội mậu dịch tự do Châu Âu, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương…

Luật Hải quan hiện hành, mặc dù đã được sửa đổi bổ sung năm 2005 tạo tiền đề áp dụng hải quan điện tử song chưa đảm bảo được cơ sở pháp lý cho việc chuyển hẳn sang áp dụng rộng rãi phổ biến.

Trước sự phát triển nhanh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam 2005 - 2010 tăng bình quân 25%/năm; năm 2011 tăng 29,7% so với năm 2010; năm 2012 đã đạt được 228,3 tỷ USD bằng 1,68 lần GDP; số lượng tờ khai 2012 đạt 5,18 triệu. Dự kiến đến năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 400 tỷ USD; số lượng tờ khai đạt trên 10 triệu tờ khai, đòi hỏi việc thông quan hàng hóa của ngành Hải quan phải có những thay đổi cơ bản để đáp ứng trong khi đó về cơ bản các quy định trong Luật Hải quan hiện hành vẫn quy định thực hiện theo phương thức thủ công truyền thống từ việc quy định hồ sơ hải quan, khai hải quan đến thông quan.

Vì vậy, việc ban hành Luật Hải quan sửa đổi hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến Hải quan điện tử phục vụ có hiệu quả sự phát triển của hoạt động kinh tế đối ngoại trong chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn mới.

Theo Báo giấy