Điều chỉnh từ trước Tết Nguyên đán
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, nhiều đại lý sữa ở phố Hàng Buồm, đường Trần Khát Chân, Lò Đúc (Hà Nội) xác nhận đã nhận được thông báo tăng giá của các hãng sữa từ trước Tết Nguyên đán khá lâu. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng đã lùi lại sau Tết mới tăng giá bán do vẫn còn nhiều hàng.
Cụ thể, các sản phẩm sữa Enfa Grow 3A+ tại các cửa hàng trên đường Trần Khát Chân, Lò Đúc đã được tăng 54.000 đồng (từ 781.000 đồng lên 835.000 đồng/hộp 900g), sữa EnfaMamaA+ Vanilla DHA power plus từ 192.000 đồng tăng lên 205.000 đồng/hộp 400 g. Sữa EnfaMil A+ tăng 35.000 đồng đẩy giá bán lẻ lên 534.000 đồng/hộp.
Chủ một cửa hàng sữa ở phố Hàng Buồm cho biết ngay hãng sữa nội 100% như NutiFood cũng lên giá. Trong khi đó, nhiều mặt hàng sữa ngoại của cửa hàng hiện tăng từ 10.000 đồng – 25.000 đồng tùy từng loại so với trước. Cụ thể, giá sữa Ensure Gold hộp 400g của Abbott trước đây cửa hàng bán với giá 300.000 đồng/lon, nay đã tăng lên với giá 316.500 đồng, và tăng trên 25.000 đồng/lon 900g cùng loại.
Giá các loại sữa Similac Gain IQ loại lon 400g và 900g của Abbott cũng tăng lần lượt 12.000 đồng và 26.000 đồng (từ 3%-5%) tùy loại. Như Similac Gain Plus IQ loại 900g tăng 18.000 đồng/lon. Lon 900g Similac GainKid IQ tăng 13.000 đồng. Với sản phẩm của Mead Johnson, nhiều đại lý cho biết đã nhận được thông báo tăng giá 7% từ tháng 12/2013. Tuy nhiên, đến nay mới điều chỉnh giá.
Ông Đỗ Thái Vương, Giám đốc Đối ngoại Abbott Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, công ty chưa thực hiện tăng giá bán đối với bất cứ sản phẩm nào. Việc các đại lý, cửa hàng tăng giá bán có thể là do thực hiện theo mức tăng giá mới mà công ty áp dụng từ tháng 12/2013.
Lúng túng kiểm soát giá sữa
Đại diện Vinamilk cho biết, từ quy 3/2013, giá lương thực thực phẩm trong đó có nguyên vật liệu sữa trên thị trường thế giới biến động tăng liên tục và rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng so với nhiều năm trước đây.
Đến đầu năm 2014, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu sữa trên thế giới vẫn tiếp tục tăng giá nguyên vật liệu và họ chỉ đồng ý cung cấp nguyên liệu trong ngắn hạn cho các nhà nhập khẩu nguyên liệu sữa. Ngay cả với Vinamilk, ưu thế của những năm trước là ký được hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu cho cả năm. Năm nay, Vinamilk không ký được hợp đồng cả năm.
“Trong nước, giá thu mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân cũng tăng, Vinamilk tính đến đầu năm 2014 đã tăng giá thu mua cho nông dân bình quân khoảng 22,6% so với đầu năm 2013, từ 11.175 đồng/kg lên 13.700 đồng/kg. Do tình hình nguyên liệu sữa trên thế giới biến động như trên, khó tránh khỏi việc ảnh hưởng tất yếu đến các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước (vì nguồn nguyên liệu sản xuất chủ yếu vẫn là nhập khẩu). Thời gian tới nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sẽ là vấn đề đau đầu cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa”, đại diện Vinamilk nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, việc đăng ký giá sữa đã được phân cấp. Bộ Tài chính hiện chỉ quản lý việc tăng giá của 6 doanh nghiệp là Cty TNHH Dinh dưỡng 3A, Cty TNHH Friescampina Việt Nam, Cty TNHH Sữa Nestle Việt Nam, Cty TNHH Phân phối Tiên Tiến, Cty CP Thương mại và Phát triển Oganic Việt Nam. Các công ty sữa khác, việc tăng giá bán được thực hiện qua đăng ký tại các Sở Tài chính và UBND địa phương.
Đại diện Cục Quản lý giá cũng cho biết, đã đề nghị cơ quan quản lý ở các địa phương có trách nhiệm trong kiểm soát bình ổn giá sữa. Vị này cho rằng, việc giá sữa nguyên liệu thế giới tăng tiếp trong thời gian vừa qua là có thật. Khi yếu tố đầu vào hợp lý như lương của người lao động, giá chi phí vận chuyển, nguyên liệu nhập khẩu tăng phải cho doanh nghiệp tăng giá bán. Kinh doanh không lãi sẽ không ai làm cả”, vị này cho biết.
“Cục Quản lý giá cũng đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan đề nghị kiểm tra việc MeadJohnson nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá do yếu tố đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, do vướng vào dịp Tết, nên đến nay cơ quan hải quan chưa có báo cáo lại”, vị này cho biết.
Theo đại diện Cục Quản lý giá, từ trước Tết Nguyên đán, chỉ có Công ty TNHH Sữa Nestle Việt Nam gửi yêu cầu đề nghị được tăng giá từ 3-6%. Tuy nhiên, kiểm tra hồ sơ thấy chưa đầy đủ nên Cục Quản lý giá đã trả lại hồ sơ yêu cầu để bổ sung chứng minh việc tăng giá là hợp lý. Đến nay, hãng này chưa gửi lại đề xuất tăng giá.