Có một thời gian, bóng đá Việt Nam lấy đi quá nhiều nước mắt từ người hâm mộ. Đó là những giọt nước mắt cay đắng sau trận chung kết Tiger Cup 1998, tiếc nuối ở thất bại tại Sea Games 2003, chua xót với thế hệ Văn Quyến tại Bacolod 2005 và đau đớn với các sai lầm ở Sea Games 2009, AFF Cup 2010.
Nhưng đến năm 2012, không ai có thể khóc được nữa. Tất cả chỉ là nỗi chán chường, bực bội và cạn kiệt niềm tin. Tuyển Việt Nam dừng bước ngay tại vòng bảng AFF Cup với vỏn vẹn 1 điểm, thành tích tệ chưa từng thấy. Những hứa hẹn cuối cùng kết thúc bằng lời xin lỗi, điều trở thành một thói quen.
Đáng buồn hơn, đây là lần đầu tiên ĐT Việt Nam khoác lên mình biệt danh “Những ngôi sao Vàng”. Thế nhưng họ lại thể hiện bộ mặt bạc nhược, hoàn toàn đánh mất tinh thần chiến đấu cũng như niềm tự hào. Ngôi sao trên ngực áo đã không được thắp lên, để cho bóng tối bủa vây.
Thật mỉa mai, nhiều người đã kỳ vọng đội tuyển sẽ thành công để cứu vãn cả nền bóng đá đang chạm đáy. Doanh nghiệp thoái lui, một loạt đội bóng giải thể trong khi các cầu thủ bị giảm lương, thậm chí thất nghiệp. Bóng đá không thăng hoa nhưng bùng phát tranh cãi, bạo lực và bê bối. Chưa bao giờ tình yêu của người hâm mộ chịu thử thách lớn đến thế. Và nhiều người chọn cách quay lưng.
Thế nhưng có ai biết trong tro còn lửa. Cũng năm 2012 đen tối ấy, những mầm non bắt đầu nảy nở trên mảnh đất khô cằn. 4 cầu thủ khóa 1 của Học viện HAGL-Arsenal JMG được HLV Wenger mời sang Arsenal tập luyện chung với đội U18 Arsenal.
Chính các tài năng như Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Công Phượng và Lương Xuân Trường, 1 năm sau khiến cả nước nức lòng ở giải U19 Đông Nam Á và vòng loại U19 châu Á. Bên cạnh lối chơi đẹp mắt, tinh thần quả cảm cùng khát khao chiến thắng của họ đã gây dựng lại tình yêu của người hâm mộ. Mảnh đất hình chữ S lại sục sôi vì bóng đá, đồng thời dấy lên niềm tin về một ngày mai tươi sáng.
Những con người tâm huyết với bóng đá Việt Nam chung tay xây dựng nền móng, bắt đầu từ khâu đào tạo trẻ. Các cậu bé đá bóng bằng chân trần trên thửa ruộng vừa mới gặt, triền đê nắng cháy hay bãi cát dài ven biển, từ miền núi, cao nguyên đến miệt vườn nay tề tựu ở những học viện, trung tâm thể thao hiện đại. Những đốm lửa nhỏ dần bùng lên thành ngọn lửa lớn khi thế hệ mới ra đời, đưa bóng đá sang trang.
Một lần nữa những giọt nước mắt lại rơi. Nhưng đó là những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc, sự tự hào. Tất cả đều rưng rưng trước màn mưa tuyết ở Thường Châu, nơi Duy Mạnh cắm lên đụn tuyết lá cờ đỏ để đánh dấu câu chuyện đầy tự hào của U23 Việt Nam. Rồi cảm xúc lại trào dâng khiến không ai có thể ngăn được dòng lệ khi Việt Nam làm nên những dấu ấn khó phai ở ASIAD 2018, Asian Cup 2019 và tiến tới vòng loại cuối World Cup 2022. Chúng ta trải qua cuộc phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác, và mỗi nơi một kỳ tích lại được viết ra.
Bây giờ ĐT Việt Nam mới thực sự là “Những chiến binh Sao Vàng”. Bất kể đối thủ là ai, họ vẫn hiên ngang bước vào sân với tâm lý chiến thắng, sau đó chiến đấu đến những giọt mồ hôi cuối cùng để biến giấc mơ thành hiện thực. Như đã thấy tại Vòng loại cuối World Cup, không có dấu hiệu nào của sự sợ hãi hoặc buông xuôi. Ngay cả khi hứng chịu các thất bại liên tiếp, Quang Hải, Công Phượng cùng đồng đội vẫn không nghĩ đến chuyện từ bỏ. Còn cơ hội họ sẽ còn chiến đấu.
Với khát khao không khi nào cạn, đội tuyển không ngừng cải thiện mình để tốt hơn, sẵn sàng cho những cuộc chinh phục mới. Tại AFF Cup 2018, Việt Nam đăng quang xứng đáng với lối chơi phòng ngự phản công và khai thác triệt để điểm yếu của đối phương. Nhưng đến AFF Cup 2020, chúng ta chơi theo cái cách của nhà vô địch, tấn công chủ động và áp đặt thế trận. Chúng ta tự nâng mình lên một vị thế khác, tách khỏi phần còn lại của Đông Nam Á, bao gồm cả Thái Lan.
Đội quân của HLV Park Hang-seo theo đuổi và làm chủ lối đá hiện đại đang trở thành xu thế trên thế giới. Nhìn vào màn trình diễn đỉnh cao trước Malaysia ở vòng bảng, khi các chàng trai áo đỏ bóp nghẹt đối thủ bằng phong cách pressing tầm cao, dễ dàng xuyên thủng hàng phòng ngự đông đảo bằng các chuyển động phức tạp và tinh vi, có thể thấy chúng ta đã tiến xa thế nào.
Những ngày này đội tuyển cũng rất khác so với 10 năm trước. Đó là một tập thể được tổ chức tốt, đồng bộ và kỷ luật, kết hợp với công nghệ phân tích cùng khoa học thể thao. Tất cả khiến Việt Nam trở thành cỗ máy chiến thắng, mang đến nỗi sợ hãi cho mọi đối thủ. Mọi chi tiết trong hệ thống đều quan trọng, nhưng đội quân của HLV Park Hang-seo lại không phụ thuộc vào một ngôi sao đơn lẻ. Tất cả đều có thể đóng vai người hùng. Tiến Linh là chân sút hàng đầu nhưng Hoàng Đức cũng có thể phá lưới đối phương. Và nếu Công Phượng không ghi bàn, Quang Hải sẽ lãnh trách nhiệm đó. Hoặc Văn Đức, Tuấn Anh hay Quế Ngọc Hải.
Điều tuyệt vời là cỗ máy này được vận hành bởi trái tim, một trái tim sục sôi nhiệt huyết chứa đựng khát khao vươn lên của cả dân tộc.Những chiến binh Sao Vàng biến mỗi trận đấu thành màn trình diễn của tinh thần Việt Nam, niềm tự hào Việt Nam.Họ không cúi đầu cũng không bao giờ ngoái lại phía sau, mà tiếp tục hướng về phía trước.
Đó là lý do Việt Nam tự tin bước vào năm 2022 với những thành công mới. Kiếm điểm ở vòng loại cuối World Cup 2022, tái lập kỳ tích ở VCK U23 châu Á, bảo vệ tấm huy chương Vàng tại SEA Games 31 là những mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên như mọi lần, đó chỉ là những nấc thang để chúng ta theo đuổi tham vọng lớn như góp mặt thường xuyên ở Asian Cup, lọt tốp 10 châu Á vào năm 2030, tốp 8 năm 2050. Tất cả là tiền đề để hướng đến tấm vé dự World Cup trong tương lai.
Không hề viển vông, niềm tin và sự kiên trì có thể thay đổi mọi thứ. Những chiến binh Sao Vàng đã chứng minh điều đó. 10 năm qua Việt Nam là một bước tiến dài từ bóng tối ra ánh sáng, từ đáy vực đến đỉnh cao. Sẽ không ngạc nhiên nếu 10 năm tới, chúng ta lại ở một vị thế khác. Trên hành trình sẽ có thành công, có thất bại, nhưng ngọn lửa luôn cháy và những giọt nước mắt hạnh phúc vẫn cứ lăn.