Sự đột phá của du lịch Việt và vai trò của nhà đầu tư chiến lược

Nhắc đến những thay đổi cơ bản trong câu chuyện phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian qua, không thể không kể đến vai trò của các nhà đầu tư chiến lược. Ở Hạ Long, Phú Quốc, Đà Nẵng… hay bất cứ điểm du lịch hàng đầu Việt Nam nào, nhà đầu tư chiến lược đều để lại dấu ấn làm thay đổi diện mạo của các địa phương đó.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn xung quanh vấn đề này nhân dịp Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2018 lần đầu tiên vinh danh 5 doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh du lịch có đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam, gồm: Sun Group, Vingroup, FLC, Thiên Minh, Mường Thanh.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các nhà đầu tư chiến lược đối với du lịch Việt Nam thời gian qua?

Trong vòng 6-7 năm gần đây, du lịch Việt Nam có bước tiến dài cả về thu hút khách du lịch, thu hút đầu tư, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở dịch vụ, quảng bá xúc tiến, phát triển sản phẩm và đề xuất những cơ chế chính sách, văn bản pháp luật tạo điều kiện cho du lịch phát triển.

Trong những thành tựu đó, chúng ta có thể thấy một điểm rất nổi bật, đó là các dự án, sản phẩm du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao và có sức hấp dẫn đã thu hút các nhà đầu tư chiến lược và các doanh nghiệp du lịch hàng đầu đầu tư như các dự án của tập đoàn Vin Group, Sun Group, Tuần Châu, Thiên Minh… Những dự án này góp phần tăng cường cơ sở vật chất, cơ sở lưu trú của du lịch Việt Nam, tạo ra những sản phẩm du lịch mới có đẳng cấp và từng bước định hình thương hiệu và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam nói chung.

 

Ngoài ra, các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp du lịch lớn cũng là người đã bỏ ra một nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư cho hoạt động quảng bá, xúc tiến cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch Việt Nam. Chính nhờ sự đóng góp như thế mà ngành Du lịch chúng ta có một bước tiến đột phá.

Sự đầu tư và đóng góp của các tập đoàn lớn đã góp phần nâng tầm cho vị thế du lịch Việt Nam và thúc đẩy du lịch tăng trưởng đột phá. Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư lớn được ưu đãi sở hữu nguồn tài nguyên du lịch và nguồn lực đất đai nổi trội và hấp dẫn có xung đột hay làm mất đi cơ hội của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như vai trò của cộng đồng dân cư hay không, thưa ông?

Chúng ta đã từng chứng kiến rằng, có những nơi mà sau khi lập quy hoạch tài nguyên du lịch được chia sẻ rất nhiều cho doanh nghiệp nhưng trong suốt một thời gian dài, các doanh nghiệp không đầu tư. Dường như họ giữ đất đai, nguồn lực và tài nguyên đó để chờ cơ hội chuyển nhượng, bán đi cho các doanh nghiệp khác để kiếm lời. Những cách làm như vậy không những không đem lại giá trị và đóng góp cho ngành du lịch mà còn tạo ra sự trì trệ và môi trường không lành mạnh trong việc thu hút đầu tư. Khi các nhà đầu tư thực sự có tiềm lực, kể cả đầu tư trong nước và nước ngoài đến thì lúc đó không còn đất đai, không còn tài nguyên du lịch nữa. Rõ ràng đó là một sai lầm. Cho nên ở một góc độ nào đó thì ít nhiều cũng có xung đột.   

 

Tuy nhiên, khi giao các tài nguyên du lịch, đất đai, các lợi thế, nguồn lực cho các nhà đầu tư chiến lược, họ đầu tư và triển khai rất nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, họ tạo ra những sản phẩm có chất lượng và quy mô, như vậy, không những họ không làm mất đi cơ hội đầu tư, cơ hội kinh doanh của các nhà đầu tư vừa và nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân cũng như cộng đồng dân cư mà còn mang lại cơ hội mới cho những thành phần này.

Các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào các điểm đến trọng điểm của Việt Nam, sẽ góp phần làm năng lực của điểm đến, năng lực về sức chứa, năng lực về sản phẩm, chất lượng của sản phẩm được tăng lên. Nhờ đó, không chỉ bản thân các nhà đầu tư được hưởng lợi, mà cộng đồng và các doanh nghiệp ở khu vực ấy được hưởng lợi theo. Điều này lại tiếp tục làm tăng năng lực của điểm đến, những tác động này làm cho hiệu quả đầu tư kinh doanh phát triển du lịch được nâng lên.

Ví dụ, chúng ta thấy rằng, ở Hạ Long, sau khi các dự án của Sun Group được đầu tư vào khu vực Bãi Cháy, không những tạo ra sự sôi động ở khu vực này mà còn có tác động lan tỏa, làm công suất của tất cả các khách sạn ở khu vực đó đều tăng lên, giá phòng cũng tăng lên, kích thích vào sản xuất và lưu thông hàng hóa, các nhà hàng, những cửa hàng mua bán, ăn uống của cộng đồng dân cư, từ người lái xe ôm, người bán hàng rong… đều được hưởng lợi từ tác động đó. Rõ ràng điều này không mâu thuẫn và về cơ bản đây là một xu hướng mà chúng ta cần phải khuyến khích.

Như vậy, chính sách của chúng ta thời gian tới dành cho các nhà đầu tư chiến lược có gì thay đổi không, thưa ông?

Quan điểm của Đảng, Nhà nước đều nhấn mạnh và khẳng định vai trò của các nhà đầu tư chiến lược và các công ty du lịch hàng đầu, đồng thời cũng khuyến khích xu hướng này trong thời gian tới để họ có thể nâng cao sức chứa, đa dạng hóa các sản phẩm và nâng cao được năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần định vị thương hiệu của du lịch Việt Nam.

Bên cạnh xu hướng này, chúng ta vẫn phải tiếp tục một xu hướng khác song song là phát triển du lịch cộng đồng để đẩy mạnh phát triển ở những nơi mà ta không khuyến khích phát triển những dự án có quy mô lớn, những nơi mà các nhà đầu tư có quy mô lớn, đặc biệt là các khu vực vùng núi, vùng hải đảo, vùng khó khăn… Điều này tạo ra sự đa dạng về sản phẩm, tạo ra năng lực về cơ sở lưu trú và dịch vụ, thu hút dòng tiền từ cộng đồng cư dân cũng như các nhà đầu tư vừa và nhỏ. /.

Xin cảm ơn ông!