Hàng trăm người dùng chung 1 giếng nước ô nhiễm
Cho đến bây giờ, khi được hỏi, hàng trăm người dân ở Phước Lý vẫn không hiểu vì sao họ có thể sống mấy chục năm nay trong khu nghĩa địa nhấp nhô này.
Chứng kiến tận mắt cảnh sống, sinh hoạt trong từng ngôi nhà mà bao bọc xung quanh họ là những nấm mồ cũ mới san sát, mới thấy, người dân nơi đây xứng đáng được mệnh danh “thần kinh thép”.
Bà Hồ Thị Phước –một người dân ở đây than thở: “Chúng tôi sống ở đây đau ốm miết, lúc nhức đầu, khi đau bụng, nhiều người còn ho ra máu. Nhưng biết làm sao được, sống được 20 năm rồi thì cũng gắng mà trụ cho đến ngày họ giải tỏa mồ mả”.
Hiện ngôi nhà bà Phước chỉ còn bà và chồng là ông Mai Lại sinh sống. Năm người con đã bỏ đi làm ăn xa. Ông Mai Lại bức xúc: “Khó khăn lắm người dân chúng tôi mới bám trụ, sống trong nghĩa địa vì không còn cách nào khác.
Gần đây, tự nhiên xuất hiện thêm Bệnh viện Lao án ngữ ngay trước mặt. Không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng”. Theo quan sát của chúng tôi, tường rào bao quanh Bệnh viện Lao cao không quá 1,5m, nhà xác bệnh viện cách nhà dân khoảng 20 bước chân.
Ông Nguyễn Văn Mạnh – một người dân, nói: “Đặt nhà xác ở vị trí đó rõ ràng là chẳng coi sức khỏe người dân chúng tôi ra gì. Hàng ngày, người ta đốt rác thải bệnh viện, cháy khét lẹt, rồi bệnh nhân lao khạc nhổ, vi trùng bay tùm lum”.
Ông Mai Tạo – Tổ trưởng dân phố Phước Lý, cho biết: “Do phải sống chung với nghĩa địa nên nguồn nước uống của người dân bị ô nhiễm nghiêm trọng”. Được biết, đã bao năm nay, hàng trăm người dân Phước Lý cùng dùng chung một giếng nước đục ngầu mà nếu không qua bộ lọc thì không thể ăn uống được.
Phải chờ đến bao giờ?
Mang nỗi bức xúc của người dân lên phản ánh với UBND phường Hoà Minh, ông Nguyễn Văn Ngọc – Chủ tịch UBND phường, cho biết:
“Vấn đề này lãnh đạo phường đã biết từ rất lâu rồi. Dân bức xúc, chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo quận, thành phố trong các kỳ họp HĐND, nhưng vẫn chưa thấy ý kiến gì. Giải quyết việc này không đơn giản chỉ là ngày một ngày hai”.
Được biết, tổ Phước Lý có 150 hộ dân, khoảng 600 nhân khẩu đang phải sống trong khu nghĩa địa, bên cạnh nhà xác. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Ngọc thì nhiều người dân ở các tổ 51, 52 và 54 cũng chịu cảnh ô nhiễm tương tự, chủ yếu từ rác thải y tế ở Bệnh viện Lao. Theo thống kê của anh Mẫn thì hiện nay, còn khoảng 1.500 ngôi mộ trong tổ Phước Lý.
Theo tìm hiểu, di dời khu nghĩa địa ở Phước Lý thuộc dự án KĐT phía tây đường Nguyễn Huy Tưởng, do Cty XD&PTHT Đà Nẵng chịu trách nhiệm đền bù giải toả, thi công.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cam – Phó GĐ Cty, cho biết: “Chúng tôi đã di dời được 1.359 trong số 2474 ngôi mộ. Hiện đang chờ kinh phí để tiếp tục giải toả.
Nhưng một số người dân vẫn chưa chịu bốc mộ (?)”. Thiết nghĩ, khi chính quyền sở tại, Cty thực hiện dự án trù trừ ngày nào thì người dân còn khổ ngày ấy.