Theo ý kiến của các nhà khoa học, chỉ cần rèn luyện một số thói quen đơn giản hàng ngày như đi xe đạp hoặc đi bộ tới cơ quan, hạn chế ăn các loại thực phẩm nhiều chất béo, thay vào đó là rau xanh, hoa quả ít ngọt và nước lọc là bạn đã có thể ngăn ngừa đáng kể nguy cơ mắc ung thư.
Tổ chức nghiên cứu ung thư thế giới cho biết, trung bình mỗi năm có tới hàng ngàn trường hợp mới mắc các dạng ung thư có khả năng phòng ngừa như ung thư vú, ung thư ruột kết hay ung thư vòm họng.
Tổ chức này cũng đề cập tới khái niệm “sống khoa học” như là một “chiến lược” hàng đầu nhằm chống lại căn bệnh nguy hiểm này.
Theo thống kê, có 1/3 trong số 12 dạng ung thư thông thường có thể ngăn ngừa được ở những nước phát triển bằng các biện pháp đơn giản kể trên. Trong khi đó, tại các nước kém phát triển hơn thì tỉ lệ này chỉ là 1/4.
Ông Martin Wiseman – một giáo sư đầu ngành về ung thư cho biết: “Tỉ lệ mắc bệnh ung thư ngày càng lớn, đặc biệt ở người già, người béo phì, người ít vận động, người ăn nhiều chất béo, các loại thực phẩm và đồ uống giàu năng lượng. Tuy nhiên, điều đáng mừng là ung thư không phải là căn bệnh không có cách phòng ngừa”.
Ngay khi chiến lược “sống khoa học” được đưa ra, rất nhiều ý kiến góp ý nhằm “tẩy chay” thói quen lười vận động và xây dựng nếp sống mới năng động, lành mạnh cho cộng đồng đã đồng loạt được nêu ra. Phần đông trong số đó đề xuất chuyện trường học và những nơi công sở nên khuyến khích các hoạt động thể chất và cấm các loại thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Thậm chí có người còn cho rằng chính phủ nên yêu cầu công nhân viên chức phải đi bộ hoặc đi xe đạp tới nơi làm việc nếu khoảng cách nhà ở và cơ quan không quá xa.
Theo Giáo sư Mike Richards – Giám đốc bệnh viện Quốc gia Mỹ cho biết: “Kế sau thuốc lá thì chế độ ăn uống, vận động và cân nặng là những nhân tố quyết định tới nguy cơ mắc bệnh ung thư”.
Thu Thảo
Theo BBC