Sống chung với DEHP

TP - “Thực tế, chúng ta đang sống chung với DEHP mỗi ngày”- TS. BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM phát biểu tại hội thảo khoa học DEHP và sức khỏe cộng đồng tổ chức ngày 13-7.

Hà Nội: Phát hiện nước khế ép nhập khẩu chứa DEHP
> Ăn thực phẩm có DEHP hại như thế nào?

Theo ông Giang, những sản phẩm chứa DEHP rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của con người như: Màn nhựa, cửa nhựa, màng trong bọc thực phẩm, áo mưa, đồ chơi trẻ em bằng nhựa... Trong đó, các loại chén dĩa bằng nhựa, bịch nilon đựng thức ăn nóng và béo có chứa một lượng DEHP rất lớn và dễ thôi nhiễm vào thực phẩm.

Theo GS- BS Nguyễn Chấn Hùng- Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, DEHP là chất lỏng không màu, mùi nhẹ, dễ dàng hòa tan trong dung môi hữu cơ, thực phẩm béo như dầu ăn, mỡ, bơ sữa, pho mát...do đó dễ nhiễm vào các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo.

Tác hại của Dehp

“Hiện chưa có nghiên cứu sâu về tác hại của DEHP trên sức khỏe con người. Tuy nhiên Bộ Y tế Hoa Kỳ đã cảnh báo DEHP có thể gây ung thư, làm tổn thương gan, hệ sinh dục nam và ảnh hưởng đến việc sinh sản” - GS Nguyễn Chấn Hùng nói. Các nghiên cứu chỉ ra theo đường ăn uống, với tác động enzym lipaz, DEHP bị chuyển hóa rất mau thành chất chuyển hóa gây độc (MEHP) và chuyển hóa chậm hơn theo đường truyền tĩnh mạch. Khả năng thải bỏ chất độc ở thai phôi và cơ thể trẻ em kém hơn người lớn. “Trẻ em dùng bình sữa, bát nhựa, đồ chơi bằng nhựa có chứa hàm lượng cao DEHP sẽ có nguy cơ bị nhiễm chất này gây xáo trộn nội tiết, rối loạn hormon giới tính nói chung bao gồm hormon sinh dục nam và nữ”, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai- Chi cục phó Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM cho biết.

Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, DEHP không tạo liên kết hóa học chắc với nhựa, do đó rất dễ thoát ra từ nhựa đi vào không khí, đất, đặc biệt là dễ dàng nhiễm vào thực phẩm, nhất là thực phẩm có nhiều chất béo. Việc hâm nóng thực phẩm trong các vật dụng bằng nhựa càng làm DEHP dễ thoát ra khỏi nền nhựa đi vào
thức ăn.

Phòng tránh cách nào?

GS Nguyễn Chấn Hùng cho rằng nên phòng tránh DEHP. “Các vật dụng y tế phải được thay thế bằng những chất liệu không chứa DEHP. Tuy nhiên, đây là công việc khó khăn đòi hỏi nhiều chi phí, cần có thời gian và lộ trình để thay đổi” - TS Lê Trường Giang nói. Theo đó, với các vật dụng trong đời sống, người tiêu dùng nên thận trọng trong lựa chọn sản phẩm, không dùng các vật bằng nhựa đựng thực phẩm nóng, nhiều chất béo. Cẩn trọng trong việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ em, đặc biệt với những thứ trẻ có thể đưa vào miệng ngậm làm tăng nguy cơ nhiễm DEHP trực tiếp qua đường tiêu hóa. Theo PGS. TS Đống Thị Anh Đào- Giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm Đại học Bách khoa TPHCM người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm làm từ nhựa được nhà sản xuất đóng ký hiệu có thể tái chế. Điều đó chứng tỏ sản phẩm làm từ plastic thuần, có thể an tâm hơn trong sử dụng.

Bộ Công Thương cho biết, Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm - Bộ Y tế Đài Loan vừa có công văn gửi Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc thông báo phát hiện thêm 2 Cty Đài Loan xuất khẩu chất phụ gia thực phẩm có chứa chất tạo đục DEHP và hóa chất độc hại vào Việt Nam, gồm Cty Yng Shin Enterprise Co., Ltd và Cty Ye Yen Gen Co., Ltd. Như vậy, đến nay có tổng cộng 6 Cty xuất khẩu các sản phẩm có chất phụ gia độc hại vào Việt Nam bị phát hiện.

Theo Báo giấy