Sinh viên thắt hầu bao dịp tết

TP - Thời điểm cận tết, sinh viên lại chật vật đối mặt với giá phòng, điện, nước tăng cao. Các bạn trẻ vắt óc tìm những biện pháp tối ưu để giảm thiểu chi tiêu, bám trụ với việc học.

> Người khiếm thị học giới tính
> Giới trẻ loay hoay học giới tính

Muôn thứ tăng giá

Thời điểm này, một số chủ nhà trọ tại những khu vực có nhiều trường đại học, cao đẳng Hà Nội như quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng thông báo tăng giá điện, nước và sau kỳ nghỉ tết sẽ tăng giá phòng.

“Mình dự tính sẽ tìm nơi khác. Ở gần trường, chủ nhà cứ liên tục đòi tăng tiền điện, nước, giá phòng thế này thì không biết sẽ “ngốn” bao nhiêu tiền vào đây nữa. Phòng có 9m2 mà giá lên tới 1,5 triệu đồng/tháng đã quá “chát” rồi, sau tết lại tăng tiếp chưa kể tiền nước cũng “dọa” tăng”, Phạm Thị Thúy Mùi, sinh viên năm tư, Học viện báo chí và tuyên truyền bức xúc.

Mẹ Mùi là giáo viên dạy tiểu học, bố đã nghỉ hưu nên mọi khoản chi tiêu cho Mùi và em trai đang học lớp 12 đều trông vào đồng lương ít ỏi của mẹ. Nghĩ tới việc mỗi tháng phải xin gia đình hơn 2 triệu đồng để trang trải cuộc sống nơi thành phố, Mùi không khỏi xót xa.

Sau những lần giá tiền điện nước tăng như vậy, các bạn sinh viên khổ sở gọi điện về cho gia đình xin trợ cấp.

Nguyễn Thị Hằng, sinh viên năm 4, ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Trước kia mình chỉ xin bố mẹ 1,5 triệu đồng/tháng nhưng tiền phòng trọ tăng nên tháng này phải xin thêm lên thành 2 triệu đồng”.

Bố mẹ Hằng làm nghề đánh bắt cá ở Thanh Hóa, tiền kiếm được phải tằn tiện chi tiêu. Để nuôi Hằng và em trai đều đang học ở Hà Nội, gia đình phải vay ngân hàng.

Cũng như Hằng, Vũ Đình Quân, sinh viên năm tư, ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội phải xin gia đình thêm 200.000 đồng mỗi tháng. Quân chia sẻ: “Bố mẹ làm công nhân trong miền Nam và còn phải nuôi em gái mình đang học ĐH trong đó nữa. Mỗi tháng hai anh em “ngốn” của bố mẹ gần 4 triệu đồng”.

Giá phòng tăng, các bạn sinh viên đôn đáo tìm thêm người ở ghép. Phòng chỉ 12m2 có tới 4 - 5 người trọ cùng. Nhiều sinh viên chủ động đi tìm phòng trọ xa hơn, rẻ hơn vì tiền chu cấp của gia đình không thể tăng thêm.

Thắt chặt chi tiêu

Những ngày giáp tết, giá cả các mặt hàng đều tăng, nhất là thực phẩm. Lê Thanh Huyền, sinh viên năm 3, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Sinh viên thường hay nói đùa: “Có thực mới vực được cái đầu!”, ăn uống đầy đủ mới có sức học tập.

Nhưng hiện nay, giá cả tăng nhanh kinh khủng, chúng mình phải cắt giảm các khoản đến mức tằn tiện. 2 ngày trước đỗ quả có giá 15.000 đồng/kg, hôm nay đã lên tới 19.000 đồng/kg. Trứng đậu, cà chua... đều tăng giá. Mình phải mua ít rau hơn mọi ngày”.

Bố mẹ Huyền làm ruộng nên mọi chi tiêu đều trông chờ đến vụ thu hoạch. Để gửi ra cho Huyền 1,5 triệu đồng hàng tháng, bố mẹ cô phải đi vay hàng xóm.

Nguyễn Thị Ngoan, sinh viên năm 4, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Hai tháng trước, mỗi ngày đi chợ mình chỉ tiêu 30.000 đồng, nhưng hiện nay cùng mặt hàng nhưng phải tăng lên 50.000 đồng. Cứ tăng giá thế này, mình phải tăng số ngày ăn mì tôm thay thế”.

Nghĩ tới bố mẹ làm việc vất vả ở quê, quanh năm bám lấy đồng ruộng nên Ngoan không dám xin thêm.

Mong muốn của hầu hết những sinh viên đang phải xa gia đình trọ học là các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương kiểm tra sát sao hơn việc kinh doanh nhà trọ, giá điện, nước để các chủ nhà không tuỳ tiện tăng giá.

Theo Báo giấy