Ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình thủy, ĐH Bách Khoa – ĐH Đà Nẵng:

Sinh viên khởi nghiệp bằng hệ thống tưới thông minh

Từ hoạt động nghiên cứu khoa học, một nhóm sinh viên khoa Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện (Trường ĐH Bách Khoa- ĐH Đà Nẵng) đã bắt tay vào khởi nghiệp ngay trên ghế nhà trường bằng hệ thống tưới thông minh đem lại hiệu quả cao cho việc sản xuất rau sạch của bà côn nông dân.
Hệ thống tưới thông minh của sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy áp dụng thành công cho cây cà chua, mang lại năng suất cao, tiết kiệm thời gian và công chăm sóc

Hệ thống tưới thông minh

Sau khóa trải nghiệm tình hình sản xuất nông nghiệp tại thôn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), nhóm sinh viên nhận thấy nông dân ở đây hầu hết sử dụng cách tưới phun truyền thống. Tuy nhiên phương pháp này  tốn nhiều nước, làm phân bón bị rửa trôi, tốn cả công lao động mà không đem lại hiệu quả cao cho cây trồng. “Chúng tôi đã nghĩ ngay đến hệ thống tưới nhỏ giọt, phương pháp tưới tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay để giúp bà con sản xuất rau sạch hiệu quả hơn”, Lê Chí Hiếu (lớp 13X2, ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình thủy, khoa Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện) cho hay.

Các bạn bắt tay ngay vào thiết kế hệ thống tưới gồm các thiết bị cơ bản như bồn chứa, bộ lọc, khóa điều chỉnh, cảm biến độ ẩm…Khi nguồn nước trong bể được dẫn vào hệ thống bơm, bồn chứa phân sẽ cấp phân hòa tan chung với nguồn nước tưới, dẫn vào hệ thống với nồng độ được điều chỉnh bằng kim châm phân. Tiếp đó đi qua bộ lọc để tránh cát xâm nhập trước khi vào đường dẫn và các nhánh, cuối cùng đến van nhỏ giọt để tưới cho cây trồng. Sau khi đạt độ ẩm theo thiết kế, cảm biến độ ẩm sẽ gửi tín hiệu về khóa điều chỉnh để đóng van dẫn. Hệ thống thông báo quá trình tưới đã hoàn tất, đèn led sẽ báo sáng, tự động gửi tín hiệu đến máy bơm để tắt máy.

Mô hình hệ thống tưới nhỏ giọt

Hệ thống tưới này đã được nhóm áp dụng thành công cho cây cà chua, đem lại hiệu quả cao nhờ điều chỉnh được thời gian và lượng nước tưới phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Đặc biệt hơn là đã đạt giải trong cuộc thi “Ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp” của Trường ĐH Bách khoa vào cuối tháng 3 vừa qua.

Vừa khởi nghiệp, vừa giúp nông dân

Các bạn cho biết trước khi bắt tay vào làm, cả nhóm đã cân nhắc rất kỹ vấn đề chi phí để nông dân thấy có lợi khi đầu tư. Lắp đặt hệ thống nhỏ giọt trên một hecta tốn khoảng 40 – 60 triệu đồng, với tuổi thọ trung bình 5 năm. Con số này không nhỏ nhưng không quá lớn, bởi thu nhập trung bình của người dân có diện tích sản xuất chừng 500m2 đã 200.000 đồng/ ngày, tức khoảng 70 triệu đồng/năm. Như vậy trong một năm hoàn toàn có thể thu lại vốn. Trong khi đó, cái lợi mà hệ thống mang tới còn là năng suất tăng lên nhờ tưới đúng giờ, đúng liều lượng, giảm gần như toàn bộ công sức để người dân có thời gian làm việc khác kiếm thêm thu nhập.

Hiếu chia sẻ thêm để làm nên hệ thống này, cả nhóm vận dụng tất cả kiến thức học được trong nhà trường, nhất là kiến thức chuyên ngành về kỹ thuật xây dựng công trình thủy, cùng sự hỗ trợ hướng dẫn của các giảng viên. Hiện tại, hệ thống này đã được bà con nông dân Hòa Vang gật đầu cho áp dụng trên đất sản xuất, cũng là tín hiệu vui vì cả nhóm đã giúp họ tiếp cận được khoa học công nghệ để làm rau sạch, dần dần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại mang lại hiệu quả cao. Tới đây, các bạn sẽ tiếp tục khởi nghiệp với quy mô lớn hơn.

Phương pháp tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước và hạn chế phân bón bị rửa trôi

Từ thực tế Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp tiên tiến, thông minh, sản phẩm không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu… do vậy Khoa chú trọng giảng dạy, định hướng cho sinh viên tiếp cận các kiến thức mới, công nghệ mới để có thể áp dụng hiệu quả vào thực tế, đồng thời giúp các bạn có thể khởi nghiệp ngay trên ghế nhà trường. Riêng với ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, đây là ngành duy nhất tại miền Trung – Tây Nguyên chỉ được đào tạo tại Khoa Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện. Mỗi năm chỉ đào tạo ra khoảng 50 kỹ sư cung ứng cho toàn khu vực. Do đó khi chọn học ngành này, cơ hội có được việc làm của sinh viên sẽ rất cao. Hiện nay với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hệ thống bờ biển và sông ngòi xuất hiện các tình trạng xâm thực, xói lở nghiêm trọng, thực trạng này tạo thành thách thức cũng như cơ hội cho ngành khẳng định giá trị của mình.

Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy được đào tạo kiến thức tổng hợp về xây dựng cơ bản (75%) và chuyên sâu về công trình thủy (25%), do đó Kỹ sư ngành này có khả năng làm việc trong bất kì lĩnh vực xây dựng nào (công trình thủy, dân dụng, cầu đường, quản lý dự án). Ngành này đặc biệt có nhiều đóng góp cho cộng đồng, do đó thu hút được học bổng của các tổ chức phi chính phủ.

Ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình thủy có chương trình đào tạo 4,5 năm. Năm 2018, điểm tuyển sinh 16,0 điểm (tổ hợp A00, A01), 50 chỉ tiêu. Sinh viên đạt trên 26 điểm (không tính điểm ưu tiên) sẽ được miễn 100% học phí học kỳ đầu tiên, hỗ trợ thêm năm tháng sinh hoạt phí 500.000/tháng. Nhiều chương trình học bổng hấp dẫn sinh viên trong như Valet, JFE, Lawrence Sting. Khi đăng kí ngành này, sinh viên có thể cùng học song song thêm ngành Xây dựng dân dụng, Xây dựng cầu đường, Quản lý dự án vì nội dung chương trình giống nhau đến 70-80%. Do đó trong vòng 5 năm, bạn có thể lấy được 2 tấm bằng đại học chính quy cùng lúc. Theo kết quả khảo sát tỷ lệ % sinh viên ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình thủy có việc làm trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp, năm 2016 là 88.6%, năm 2017 lên tới 100%.