Kỳ thi giữa học kỳ của học sinh lớp ba và lớp năm (bậc Tiểu học) và các lớp đầu bậc Trung học sẽ được loại bỏ trong vòng ba năm tới, theo thông báo của Bộ Giáo dục Singapore. Đây được cho là nỗ lực của ngành giáo dục nước này, nhằm bỏ đi những mục tiêu ngắn hạn, đồng thời chú trọng đến việc giúp các em học sinh tìm thấy niềm vui trong học tập.
Trong năm học tới, học sinh tiểu học sẽ “thoát” các bài kiểm tra đầy khó nhọc mà các lứa học sinh trước đây đã từng trải qua.
Nhấn mạnh thông điệp: “Học tập không phải là đấu trường", chương trình học của học sinh Singapore sẽ không còn bao gồm thứ hạng học sinh, ở cả cấp Tiểu học và Trung học. Các mức đánh giá học sinh cũng sẽ không được áp dụng, để ngăn ngừa áp lực điểm số và thành tích.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ong Ye Kung cho biết, mục tiêu chính mà các nhà trường cần hướng đến, đó là cân bằng niềm ham học và những chuẩn mực giáo dục.
Bước thay đổi mang tính cách mạng này sẽ giúp các giáo viên có thể nghiên cứu và ứng dụng nhiều cách dạy học mới, mang tính khơi gợi niềm yêu thích học tập. Bộ Giáo dục cũng cho biết, bỏ kỳ thi giữa kỳ sẽ giúp học sinh có thêm thời gian để tự tìm tòi, khám phá, dần trưởng thành qua từng cấp học.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ong cũng yêu cầu các nhà giáo dục cần sử dụng thì giờ hợp lý. Ông nêu ví dụ, một học sinh có thể tìm ra công thức tính diện tích, nhưng bằng cách đặt câu hỏi liên tiếp, chúng ta có thể biết em đó tìm ra diện tích như thế nào, nhằm kích thích sự thảo luận, trao đổi và động não. Thông qua đó, ông Ong cho rằng, các em học sinh “sẽ dần hình thành phản xạ ghi nhớ và thực sự yêu thích các bài học”.
Việc cải cách hệ thống kiểm tra, đánh giá của giáo dục Singapore đều nằm trong lộ trình có tên gọi “Học tập cho cuộc sống”. Được đánh giá là đem lại những giá trị, thái độ và kỹ năng cho mọi học sinh, “Học tập cho cuộc sống” là cơ sở để đảm bảo giáo dục sẽ tiếp tục duy trì sự phát triển không ngừng về mọi mặt của xã hội.
Một vài phụ huynh sẽ cảm thấy lo lắng về sự thay đổi này, đặc biệt là đánh giá học sinh có thể trở nên hơn khó khăn hơn, khi sổ liên lạc không còn thống kê thứ hạng và điểm số nữa. Để thực hiện thành công bước chuyển mình này, Bộ Giáo dục cần phải giữ vai trò của phụ huynh ở trong cuộc, và thuyết phục các bậc làm cha mẹ rằng, sự thay đổi này không ảnh hưởng đến các chuẩn mực giáo dục.
Điều quan trọng nhất mà ngành giáo dục cần làm, theo lời Bộ trưởng Ong, thay vì thúc giục làm bài tập về nhà hay so sánh điểm giữa các học sinh, phải là: “Làm sao để giữ sự háo hức trong ánh mắt của mỗi em học sinh khi đến trường?”