Siêu thị tung hàng riêng
> Để người Việt gần hơn với hàng Việt
> Sẽ xử nghiêm trường hợp “ăn theo” tháng khuyến mại
Nhằm thu hút khách hàng, nhiều siêu thị đã liên tục tung ra các hàng nhãn riêng. Trong bối cảnh giá cả tăng cao, hàng nhãn riêng được xem là phương án tốt cho nhà bán lẻ lẫn người tiêu dùng trong bảo vệ sức mua.
Sự xuất hiện hàng nhãn riêng tại các siêu thị làm năng động hóa thị trường, tuy nhiên cũng khiến không ít doanh nghiệp lúng túng.
Đơn giản và rẻ
Hàng nhãn riêng đa quốc gia
Giáo sư Srinivas Reddy cho rằng xu hướng phát triển hàng nhãn riêng không chỉ gói gọn trong một quốc gia hay một châu lục nào. Ngay cả khi nhà sản xuất độc quyền một sản phẩm tại thị trường đó thì vẫn có thể xảy ra tình huống nhà bán lẻ không đặt hàng với nhà sản xuất đó. Họ sẽ lấy hàng ở một nước khác và đưa vào hệ thống, bán với giá thậm chí còn rẻ hơn của doanh nghiệp bản địa. Điều này xảy ra rất phổ biến với những đại gia bán lẻ đa quốc gia, dòng luân chuyển hàng hóa mạnh.
Hàng nhãn riêng là sản phẩm do chính các siêu thị tổ chức sản xuất bằng cách gia công và dán nhãn mác một cách đơn giản, ít chi tiết, công năng hòng tiết kiệm chi phí. Ưu điểm của hàng nhãn riêng là có giá thấp hơn sản phẩm cùng loại 5-30% nên bán rất chạy.
Theo đại diện các siêu thị, hiện mỗi siêu thị có 50-60 nhà cung cấp làm hàng nhãn riêng, tập trung vào nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người tiêu dùng như trứng, trà, nước mắm, nước suối, thực phẩm đông lạnh, thời trang...
Trong đó, Co.op Mart có khoảng 150 mặt hàng mang thương hiệu Co.op Mart và Saigon Co.op với 900 loại.
Hệ thống Big C khá bài bản với việc chia phân khúc rẻ nhất có thương hiệu Wow, rẻ hơn 15-35% so với thương hiệu dẫn đầu là Big C và dòng sản phẩm Casino có giá cao hơn so với các thương hiệu dẫn đầu (chủ yếu là hàng nhập).
Hệ thống Metro Cash & Carry, được xem là nhà bán lẻ đầu tiên làm hàng nhãn riêng tại Việt Nam, cũng sở hữu một chuỗi các nhãn khác nhau như Fine Food, Fine Dreaming, Sigma... Tương tự, Vinatex và Lotte đều có những hàng nhãn riêng để hấp dẫn khách hàng.
Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, tăng trưởng nhóm hàng nhãn riêng rất tốt. Trong dịp lễ, tết, đây cũng là những dòng sản phẩm thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao của hệ thống. Sau ba năm kể từ khi cho ra thị trường hàng nhãn riêng đầu tiên, hiện ở một số ngành hàng tại siêu thị Big C hàng nhãn riêng chiếm đến 35% lượng hàng bán ra như giấy vệ sinh, nước rửa chén...
Nhận định về tốc độ phát triển của dòng sản phẩm hàng nhãn riêng, ông Pascal Billaud, giám đốc siêu thị Big C Việt Nam, cho rằng, trong vòng ba năm tới, cứ bốn sản phẩm bán tại siêu thị sẽ có một sản phẩm là hàng nhãn riêng của chính nhà phân phối, trong 6-7 năm tới tỉ lệ này là 2 và 1.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, khái niệm hàng nhãn riêng không hề mới mẻ ở các nước. Ngành bán lẻ thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện các sản phẩm hàng nhãn riêng từ hơn 20 năm trước và đây là xu hướng tất yếu khi yếu tố giá cả ngày càng được quan tâm.
Học cách sống chung
Thực tế, xu hướng đẩy mạnh hàng nhãn riêng của siêu thị gây không ít lo lắng cho nhà sản xuất. Giám đốc một công ty hóa mỹ phẩm cho biết, lợi nhuận sản xuất cho siêu thị rất thấp, gần như không đủ khấu hao tiền máy móc nhưng vẫn phải làm vì họ nắm đầu ra sản phẩm, xem đây là một cách mở rộng gam sản phẩm, tối ưu hóa dây chuyền.
Ông Cao Tiến Vị, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Giấy Sài Gòn, kể, cách đây vài năm, khi vừa đặt chân vào thị trường Việt Nam, Metro Cash & Carry đã tìm đến công ty đặt vấn đề làm hàng nhãn riêng. Nhưng lúc đó công ty còn nhỏ, khó đàm phán và sợ bị chèn ép. Sau này khi thị trường bên ngoài vững, Giấy Sài Gòn mới quay lại hợp tác làm hàng nhãn riêng.
“Kênh bán hàng hiện đại chỉ chiếm 30% nên thị phần dành cho nhãn hàng nhà sản xuất vẫn chưa đáng lo trong vài năm tới. Tuy nhiên, sau đó các doanh nghiệp phải tính toán lại bài toán của mình” - ông Vị nói.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, người dân thu nhập thấp luôn có nhu cầu sử dụng hàng nhãn riêng. Nhưng có nhiều đến đâu cũng không bao giờ chiếm thị phần quá cao và quá nhiều. Bởi hàng nhãn riêng chỉ là sản phẩm giá rẻ, đơn giản, ít họa tiết, bình dân, trong khi vẫn có một bộ phận người tiêu dùng muốn xài hàng thương hiệu riêng, có gu tiêu dùng rõ ràng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Thuận, giám đốc Công ty tư vấn DBS, cho rằng, nếu mải mê chạy theo gia công hàng nhãn riêng thì thương hiệu của doanh nghiệp cũng dễ bị “nuốt chửng”.
Theo giáo sư Srinivas Reddy - chủ nhiệm chương trình MBA của Đại học Quản trị Singapore (SMU), ngày nay hàng nhãn riêng đã mở rộng rất nhiều ngành hàng, nếu so sánh với nhãn hàng chính thì hàng nhãn riêng cũng không thua gì về bao bì, thành phần nhưng giá rẻ hơn.
Đó là nhờ ưu thế về mặt bằng, chi phí quảng bá sản phẩm, chi phí trung gian, chi phí bán hàng. Để “sống chung với lũ”, không cách nào khác doanh nghiệp phải chăm chút cho các sản phẩm thương hiệu chính mạnh hơn. Sản xuất những sản phẩm độc đáo, khác biệt có nhiều giá trị cộng thêm để làm sao khi hàng nhãn riêng ra đời thì cả hai vẫn có thể tồn tại song song.
Theo Như Bình
Tuổi Trẻ