Siết nhập phế liệu: Lại cần gỡ nút thắt

TP - Theo lộ trình, hôm nay (29/10), một loạt mặt hàng phế liệu nhập khẩu sẽ có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để thực hiện các thủ tục nhập khẩu.
70% các doanh nghiệp giấy Việt Nam đều đang sử dụng nguồn nguyên liệu giấy phế liệu hỗn hợp chủ yếu cho sản xuất giấy tái chế

Khi hàng ở cảng chờ văn bản

Cụ thể, một loạt mặt hàng phế liệu nhập khẩu (NK) như: Sắt, thép, nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại màu (đồng, nhôm, niken, kẽm, thiếc, vonfram, molyden, magie, titan, zircon, antimony, mangan, crom) và xỉ hạt nhỏ sẽ có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để thực hiện các thủ tục NK. Như vậy sẽ chấm dứt một thời gian dài rất nhiều mặt hàng phế liệu có trong Danh mục phế liệu được phép NK từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất theo Quyết định 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng đã không có quy chuẩn để thực hiện (chỉ nhựa, giấy, sắt, thép có quy chuẩn trước đó).

Tuy nhiên,đến nay Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, vẫn còn tình trạng danh sách các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và Thông báo lô hàng phế liệu NK (bao gồm cả Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận và thông báo lô hàng phế liệu NK do các Sở Tài nguyên và Môi trường cấp) chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) cập nhật đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử của bộ này, Cổng thông tin một cửa quốc gia và gửi cho Tổng cục Hải quan (TCHQ). Đây là cơ sở để cơ quan đối chiếu khi làm thủ tục hải quan, tránh trường hợp doanh nghiệp (DN) sửa chữa, làm giả chứng từ.

Phó Tổng cục trưởng Hải quan Mai Xuân Thành cho rằng, ngay cơ quan chủ quản (tức Bộ TNMT) còn chưa cập nhật được đầy đủ danh sách do các Sở TNMT cấp thì cơ quan Hải quan rất khó để thực hiện thủ tục khi không có cơ sở dữ liệu để đối chiếu. Do đó, TCHQ thống nhất với Vụ Quản lý chất thải (thuộc Bộ TNMT), nếu từ ngày 29/10, trường hợp DN làm thủ tục đối với phế liệu NK nhưng chưa được Bộ TNMT thông tin kịp thời lên Cổng thông tin điện tử Bộ TNMT thì cơ quan Hải quan sẽ không cho phép dỡ hàng xuống cảng. Cụ thể, từ ngày 29/10, hai Thông tư 08 và 09/2018/TT-BTNMT sẽ được Bộ TNMT ban hành, quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu sắt, thép, nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại màu. 

“Hai Thông tư 08 và 09 bãi bỏ Điều 10 Thông tư 41/2015/TT-BTNMT liên quan đến hồ sơ khi làm thủ tục hải quan. Tuy nhiên nếu thực hiện theo 2 Thông tư 08 và 09 sẽ gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo Chỉ thị này, cơ quan Hải quan phải kiểm tra Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong NK phế liệu; hạn ngạch NK còn; DN phải ký quỹ mới cho phép dỡ lô hàng xuống cảng. Vì vậy trong trường hợp cơ quan Hải quan không có chứng từ này rất khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện...”, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan ông Âu Anh Tuấn cho biết thêm.
Trước tình hình này, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành đề nghị Bộ TNMT có đầu mối phối hợp để tiếp nhận, xử lý các vấn đề liên quan đến việc thực hiện 2 Thông tư 08 và 09 trong những ngày đầu triển khai.

Gỡ nút thắt - Cách nào?

Tại Hội thảo “Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngày giấy Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) tổ chức giữa tháng 10 vừa qua, nhiều ý kiến tranh luận về Dự thảo sửa đổi Quyết định 73/2014/QĐ-TTg quy định danh mục phế liệu được phép NK từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam.

Theo báo cáo của VPPA, có đến 70% các DN giấy Việt Nam, từ DN nội đến ngoại đều đang sử dụng nguồn nguyên liệu chủ yếu cho sản xuất giấy tái chế - giấy phế liệu hỗn hợp. Nhưng trên thực tế, số lượng thu gom trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu đầu vào nên việc NK là tất yếu.

Tuy nhiên, bản Dự thảo của Chính phủ về sửa đổi danh mục phế liệu được phép NK từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, trong đó đề xuất loại bỏ giấy Mixed - giấy hỗn hợp, đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ cho các DN trong ngành. Bên cạnh đó, theo số liệu thu thập được nêu ra trong hội thảo, nhu cầu sử dụng sản phẩm giấy bao bì - sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ giấy hỗn hợp ngày càng tăng cao, cụ thể mỗi năm tăng đến 15%. Theo đó, việc siết nhập phế liệu và loại bỏ NK giấy hỗn hợp gây thiếu hụt về đầu vào, doanh thu sụt giảm có thể lên đến con số chục triệu đô la.

Trong tâm trạng của những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi chính sách siết nhập phế liệu lần này, các DN cũng mong muốn giấy phế liệu được “giải oan”. Tổng Giám đốc Công ty Giấy Việt Trì, ông Nguyễn Văn Hiện cho hay, không chỉ là các DN nội như Việt Trì, các DN FDI như Lee&Man cũng khẳng định họ sẽ không đánh đổi yếu tố môi trường bởi những yếu tố sản xuất, cũng như không bao giờ sử dụng những công nghệ lạc hậu, kém phát triển nên luôn chủ động trong kiểm soát vấn đề môi trường.

Các chuyên gia kinh tế dự hội thảo cho rằng, thay đổi chính sách nhất là các chính sách ảnh hưởng đến nhiều DN cần có đánh giá tác động và có lộ trình. Song cũng cần có sự đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN để có sự “thấu hiểu”, từ đó có thể điều chỉnh quy định hợp lý hơn.

Theo Tổng cục Hải quan, đến ngày 26/10, Bộ TNMT vẫn chưa có văn bản chính thức trả lời đơn vị này về các nội dung vướng mắc liên quan đến việc: Thông báo kịp thời danh sách tổ chức cá nhân, tổ chức được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong NK phế liệu; việc miễn kiểm tra chất lượng; việc quản lý chủng loại, số lượng phế liệu được phép NK; địa điểm kiểm tra, thông quan phế liệu NK; đối tượng áp dụng Thông tư 08 và 09.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI bày tỏ, một chính sách tốt cần cân nhắc nhiều yếu tố, bên cạnh lợi ích của người tiêu dùng, môi trường, cũng không thể bỏ qua yếu tố cốt lõi là nền tảng của DN, lợi ích của ngành giấy. Để gỡ nút thắt “cổ chai” về nguyên liệu đầu vào, theo ông Tuấn, Chính phủ và DN ngành giấy cần nhìn nhận khách quan cũng như xây dựng hành lang pháp lý phù hợp để đảm bảo rằng, các DN đều đang thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với môi trường mà vẫn không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh.