> Phố nghề trăm tuổi đang biến mất
> Triển lãm làng nghề thủ công tại phố cổ
> 4 điểm hoạt động văn hóa trong phố cổ
“Nếu quản lý tốt sẽ không có công trình chợ Hàng Da”
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã thẳng thắn nhận định như vậy tại Hội nghị góp ý dự thảo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội.
Ông Thảo cho rằng, thực tế quản lý kiến trúc, xây dựng khu phố cổ Hà Nội đang còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục. “Không thể giữa phố cổ mà lại cho xây nhà cao tới 8 tầng rồi quét xi măng đen kịt như thế”- Chủ tịch UBND thành phố chỉ rõ.
Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, thực tế quản lý kiến trúc khu phố cổ theo quyết định 45 trước đây ban hành từ năm 1995 và Điều lệ tạm thời về quản lý ban hành từ năm 1999 của UBND thành phố đã như chiếc áo quá chật.
Do không kiểm soát được gia tăng dân số nên mật độ dân số tại đây đã thuộc hàng cao nhất thành phố với khoảng trên 850 người/ha, toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bị quá tải nghiêm trọng, chỉ tiêu về cây xanh, về giao thông tĩnh...đều đã bị phá vỡ. Ngoài ra, việc quản lý kiến trúc gặp vô vàn khó khăn.
Hàng loạt các công trình kiến trúc lai căng, không phù hợp với cảnh quan và đặc thù kiến trúc của khu phố cổ liên tục xuất hiện. Ngay cả 1081 công trình được thống kê trước đây có giá trị cũng đã bị biến dạng nhiều và không còn giá trị như ban đầu do quản lý yếu kém.
Tại nhiều tuyến phố đã có những công trình cao tầng mọc lên cộng với việc quản lý trật tự xây dựng đô thị yếu...đang là thách thức rất lớn đối với việc bảo tồn khu phố cổ Hà Nội.
Không tăng chiều cao nhà mặt phố
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong dự thảo Quy chế lần này có nhiều đề xuất mới quan trọng.
Quy chế lần này còn đề xuất các quy định để bảo tồn các không gian đặc trưng, giá trị của khu phố cổ như không gian mở, ô phố đặc thù với loại hình kiến trúc giá trị chiếm đa số và tập trung vào bảo tồn, phục dựng hình ảnh các tuyến phố chính.
Quy chế đã phân vùng bảo tồn, tôn tạo và kiểm soát phát triển căn cứ vào quy định quản lý kèm theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Có 2 vùng kiểm soát gồm: Vùng 1: quy mô 23,2ha; 29 tuyến phố và 17 ô phố - bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị khu phố cổ; Vùng 2: quy mô 58,8 ha; 57 tuyến phố; 66 ô phố - bảo tồn chỉnh trang, kiểm soát phát triển.
Cũng theo ông Dương Đức Tuấn, Quy chế đã đặt ra việc kiểm soát không gian liền kề, xác định vùng hỗ trợ chức năng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho khu phố cổ.
Trong khu vực phố cổ 82ha, tuyến phố Trần Quang Khải được nghiên cứu trong thiết kế đô thị toàn tuyến từ Trần Khát Chân đến Yên Phụ, nhằm tạo dựng và kết nối hài hoà với không gian quy hoạch hai bên sông Hồng.
Quy chế cũng đề xuất quy định kiểm soát và kết nối hình thái không gian đối với các khu vực liền kề phố cổ, đồng thời xác định các khu vực có khả năng khai thác, hỗ trợ chức năng, bổ sung hạ tầng cho khu phố cổ.
Khu vực hỗ trợ chức năng hạ tầng, bên ngoài của khu phố cổ bao gồm 2 phường ngoài đê là Phúc Xá và Chương Dương, công viên Vạn Xuân và phố Lý Nam Đế.
Quy chế cũng đề ra bảo tồn và phục dựng các loại hình kiến trúc đặc trưng, giá trị. Đặc biệt là vẫn đề xuất giữ nguyên chiều cao của công trình lớp ngoài cao 3 tầng tương đương 12m, hạn chế chiều cao lớp tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoa đề nghị không nên khuyến khích, cấp phép kinh doanh dịch vụ ăn uống tại một số tuyến phố cổ vì sẽ dẫn đến ách tắc giao thông.
“Việc đề xuất phá dỡ một số công trình cần cân nhắc vì rất khó khả thi”-ông Hoa nói. Để công tác quản lý trật tự xây dựng, cấp phép sớm đi vào nề nếp, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị thành phố sớm thông qua Quy chế làm căn cứ quản lý và bảo tồn phố cổ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh đề nghị xem lại đề xuất tăng chiều cao tầng tại một số vị trí, vì như vậy sẽ có thể làm khó cho việc giảm mật độ dân số từ 850 người/ha xuống còn 500 người/ha theo yêu cầu.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định việc sớm ban hành quy chế là rất cần thiết.
Theo thống kê 550 công trình có giá trị thì có tới 215 công trình có giá trị đặc biệt với những dạng kiến trúc tiêu biểu gồm: Công trình kiến trúc Việt Nam trước năm 1900 có quy mô 1-2 tầng, xây dạng nhà ống, chiều ngang hẹp; Công trình kiến trúc Trung Hoa xây dựng trước năm 1930; Công trình kiến trúc châu Âu xây dựng thời kỳ
Pháp thuộc... (Nguồn: Sở QHKT)