Shop 'tươi mát' đầu tiên ở vùng Vịnh đắt khách

TP - Ở Ảrập Xêút, nam giới không được phép nói chuyện với phụ nữ nơi công cộng, nhưng cách đó khoảng 40 km, điện thoại ở cửa hàng dành cho người lớn ở quốc gia láng giềng Bahrain không ngừng kêu.
Bà Khadija trong cửa hàng của mình
Bà Khadija trong cửa hàng của mình.

Nhiều khách hàng gọi đến đặt món hàng yêu thích: đồ lót ăn được có hương vị trái cây. Cửa hàng của Khadija Mohammed là shop tươi mát đầu tiên ở vùng Vịnh, và có thể là duy nhất. Trước đây, người phụ nữ 3 con này bán trang phục truyền thống qua mạng. “Nhưng đồ lót gợi cảm bán chạy nhất. Nở như bánh mỳ trong lò. Vì thế, tôi chuyển mặt hàng”, bà Khadija nói.

“Không, tôi không bán dildo (dương vật giả) đâu, chỉ có thiết bị mát-xa thôi… Vâng, hẹn gặp lại quý khách”. Cứ khoảng 10 phút, điện thoại của cửa hàng lại đổ chuông một lần. Cuộc gọi cuối đến từ số máy bắt đầu bằng “966”. “Một quý bà ở Ảrập Xêút”, bà Khadija giải thích. Chiều hôm đó, quý bà Ảrập Xêút đến cửa hàng trong trang phục hijab bưng bít bịt bùng, chỉ để hở đôi mắt, và mua chiếc Oui màu đỏ tươi. Nhãn bên ngoài sản phẩm ghi: “Máy mát-xa cá nhân thanh nhã, đơn giản, mỏng đến mức bạn có thể để vừa trong lòng bàn tay”.

Khadija Mohammed nói rằng, việc đeo mạng che mặt theo truyền thống trong trường hợp này có ý nghĩa hết sức thực tế. Tuy nhiên, một số phụ nữ không che mặt cũng đến cửa hàng. Chồng họ đứng bên đợi vợ chọn đồ nhạy cảm.

Bộ sản phẩm còng tay và băng bịt mắt treo trên tường sau quầy tính tiền không gợi nhiều về cảnh phòng the bạo lực, mà làm không ít người liên tưởng tới nhà tù Abu Ghraib khét tiếng ở Baghdad (Irắc). Bên cạnh đó là loại roi da 9 sợi giá 7 dinar Bahrain và những thiết bị dùng để kích thích điểm G, kem bôi chỗ kín, trang phục múa bụng, sơn móng tay dạ quang…

Khadija Mohammed năm nay 33 tuổi, có 3 đứa con và mới ly dị. Bà mở và điều hành shop người lớn từ A đến Z, từ đặt hàng trên mạng đến thương lượng với nhà cung cấp ở California (Mỹ) và Quảng Châu (Trung Quốc). Bà nói, sản phẩm bán chạy nhất là kem thoa nở dành cho cậu nhỏ, và đồ lót ăn được mang hương vị nho, xoài… Khách hàng của bà, kể cả nam giới thường xuyên hỏi về dildo. Tuy nhiên, cửa hàng không bán sản phẩm này, cũng như tranh, ảnh, sách, phim tươi mát – những thứ bị đạo Hồi cấm. Hồi giáo cấm những hình ảnh thể hiện các bộ phận nhạy cảm của cơ thể.

Bà Khadija không muốn thay đổi thế giới, chỉ muốn xóa bỏ một số hình thức đạo đức giả. “Nhiều người thích, nhiều người mua nhưng không ai ở đây nói về chúng. Tôi sẽ gặp ít rắc rối hơn nếu mở cửa hàng trong bí mật. Ngồi nhà mua bán trực tuyến. Tuy nhiên, tôi không muốn giấu diếm”, bà nói.

Bà Khadija nói mình chưa gặp vấn đề gì với hàng xóm hoặc người qua đường. Bà chỉ phải bỏ một số món đồ nóng mắt ra khỏi cửa sổ cửa hàng. Thậm chí thầy tế ở nhà thờ Hồi giáo gần đó cũng không ca thán gì. “Thầy tế không phải là vấn đề. Cái mà một người đàn ông và một người đàn bà làm để vui vẻ trên chiếc giường hôn nhân riêng tư là việc riêng của họ”, bà nhận xét.

Việc mở sex shop ở Bahrain không phải là trái luật. Bà Khadija đã thắng kiện hồi tháng 3 về vấn đề này. Bà mở chiếc máy tính xách tay màu hồng, click chuột vào website của hải quan Bahrain. Quy định nhập khẩu của Bahrain cấm nhập lốp cũ, vật liệu có thể tách ra được, lợn và ngựa. “Luật không nói gì về đồ chơi tình dục”, bà nói.

Thái An
(Theo Spiegel Online, Reuters)