Sẽ kiểm tra căn hộ phá giá 10 triệu đồng/m2

Việc bán phá giá của doanh nghiệp bất động sản đang ảnh hưởng xấu đến tâm lý người mua nhà, nên cần phải có chính sách chống bán phá giá.
Sẽ xử lý doanh nghiệp bán phá giá?.

Tại buổi gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp ngành bất động sản khu vực Hà Nội tổ chức hôm giữa tuần qua, ông Đoàn Châu Phong, Phó tổng giám đốc Vinaconex cho biết, hiện nay một trong những vấn đề khiến cho thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn là người mua có tâm lý chờ đợi giá tiếp tục xuống.

Mặc dù giá của nhiều dự án bất động sản hiện nay đã giảm khá mạnh, có những dự án đã giảm tới 30% so với giá trước đó, nhưng vẫn vắng người mua. Tâm lý chờ đợi của khách hàng đã khiến cho việc bán hàng của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Chính vì vậy, việc một số doanh nghiệp hiện nay đưa ra mức giá giảm quá sốc, càng làm cho thị trường điêu đứng, vì người mua cho rằng giá sẽ còn giảm mạnh hơn nữa, mức giá bây giờ vẫn còn xa “đáy”.

“Tôi cho rằng, nhà nước cần có chính sách chống bán phá giá để bảo vệ cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đây là vấn đề mới, nhưng các cơ quan chức năng cần phải vòa cuộc ngay”, ông Phong nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phong, những doanh nghiệp nào bán phá giá, cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc ngay, xem vì sao họ bán với mức giá đó, mức giá đó có hợp lý không,…

“Việc bán phá giá của một số dự án nhà thương mại giá rẻ không chỉ làm ảnh hưởng tới thị trường nói chung, mà ngay cả với nhà ở xã hội, người dân cũng sẽ đặt câu hỏi “nhà thương mại rẻ thế, mua nhà thu nhập thấp làm gì”, ông Phong cho hay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội cho hay, thời gian tới thành phố dứt khoát sẽ kiểm tra lại những dự án bán phá thấp.

"Thành phố sẽ kiểm tra lại xem những dự án đó đã nộp tiền sử dụng đất chưa. Còn còn công bố giá bán dưới giá thành để nhiễu loạn thông tin cũng không được. Thành phố sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn, không để một số đơn vị bán với giá quá sốc, ảnh hưởng không tốt cho thị trường”, ông Sửu khẳng định.

Dù không được nhắc tên cụ thể dự án nào, nhưng có thể thấy thời gian vừa qua, dự án bán với mức giá “sốc” nhất và thậm chí rẻ hơn cả mức giá của nhà thu nhập thấp, chỉ có dự án chung cư Đại Thanh.

Dự án này đã gây sốt khi hạ giá bán từ 14 triệu đồng mỗi m2 xuống còn 10 triệu đồng. Sau cơn sốt Đại Thanh, rất nhiều dự án dự định sẽ bung hàng đều phải dừng lại, nhiều doanh nghiệp khác thì buộc phải giảm giá bằng nhiều cách như giao nhà thô, khuyến mại hay chiết khấu.

Trước đó, tại buổi tọa đàm triển vọng thị trường bất động sản năm 2013 ngày 23/10, với 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP - Invest) cho rằng, việc bán dưới 13 – 14 triệu đồng/m2 mà vẫn có lãi thì chắc chắn là “ăn bớt”.

Ông Hiệp phân tích: “Trong bối cảnh hiện nay, giá đầu tư mỗi m2 xây dựng hạng trên trung bình, phải từ 8-8,5 triệu đồng/m2, hệ số sử dụng diện tích chỉ 80%, còn lại cầu thang, hành lang… thì giá thành xây dựng phải là 10 triệu đồng/m2, cộng với giá đất từ 20-25%, nghĩa là không còn lãi lờ gì nữa, đó là còn chưa kể chi phí bôi trơn… thì giá phải là 13-14 triệu đồng/m2”.

“Tôi không hiểu tại sao có doanh nghiệp tuyên bố bán với giá 10 triệu đồng/m2 căn hộ”- ông Hiệp bức xúc.

Ông cho biết thêm: “Qua tìm hiểu thì tôi biết rằng, dự án này bán mức giá 10 triệu đồng vì họ có nhiều cách làm khác. Đơn cử, họ sử dụng thang máy có mức giá rẻ chỉ bằng trên 1 nửa loại thang máy như của công ty ông Hiệp dùng, tất nhiên vì thế chất lượng cũng sẽ khác”.

Dưới góc độ là chuyên gia bất động sản, GS. Đặng Hùng Võ lại cho rằng, “họ đưa ra mức giá đó, họ có thể làm được". Theo ông Võ, giá xuống được tầm 10 triệu đồng/m2 như thế, có thể do công ty giảm được chi phí nhân sự, hoặc dùng công nghệ, vật liệu đảm bảo chất lượng nhưng rẻ tiền.

Theo VTC News

Theo Đăng lại